Nhiều thách thức phát triển chứng khoán phái sinh

Ngày 6/1, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo "Triển khai sản phẩm phái sinh ở Việt Nam - Những thách thức và chính sách".

Mục đích hội thảo nhằm đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài Chính và Chính phủ về việc triển khai sản phẩm và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.

Đánh giá về lợi ích của sản phẩm phái sinh, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, sản phẩm phái sinh cho phép các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dựa trên các trạng thái chứ không nhất thiết phải nắm giữ tài sản vật chất. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí liên quan đến giao dịch, lưu trữ và chi phí cơ hội; hoặc có thể vượt qua các rào cản về vốn. Mặt khác, lợi ích của kênh đầu tư này là do sự hấp dẫn của tỷ lệ đòn bẩy cao và tính thanh khoản tốt.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), đơn vị này đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu về sản phẩm chứng khoán phái sinh từ 3 đến 4 năm nay. Thị trường chứng khoán phái sinh có nhiều dạng và ở một số nước có những quy định riêng, do đó tại Việt Nam thị trường phái sinh có "chạy" hay không là do thị trường chứng khoán cơ sở quyết định. Đồng thời, phụ thuộc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại và nghiên cứu những sản phẩm chứng khoán phái sinh trong tương lai dài hạn.

Đối với những công ty chứng khoán thì lợi nhuận vẫn là yếu tố ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên ông Nguyễn Chí Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), cho rằng, nhiều công ty chứng khoán hoạt động lâu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đều kỳ vọng làm sao để phát triển thị trường; trong đó, việc xây dựng và hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tạo ra những sản phẩm mới cho nhà đầu tư là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nhưng để phát triển thành công thị trường chứng khoán phái sinh và quản lý rủi ro, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan cần có kế hoạch tập huấn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nâng cao năng lực quản lý và tham gia thị trường này.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Kim Long, Giám đốc luật và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng... thì việc thống nhất quan điểm và định hướng tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Cơ quan quản lý cần xác định rõ sản phẩm chứng khoán phái sinh là sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam hay là sản phẩm phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư; hay sản phẩm chứng khoán phái sinh bao gồm cả hai mục tiêu trên. Xác định được ý nghĩa của sản phẩm chứng khoán phái sinh mới có thể phát triển thị trường phái sinh và đưa ra thông điệp đến nhà đầu tư, giúp người tham gia phải hiểu được thị trường và những tác động của nó.

Tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP (Nghị định 42), ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; đồng thời đang triển khai để đưa vào vận hành đầu năm 2017, với sản phẩm ban đầu là hợp đồng giao sau chỉ số và hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, để đảm bảo các sản phẩm chứng khoán phái sinh được triển khai một cách thành công và thị trường vận hành ổn định, sẽ là một thách thức vô cùng to lớn cho những chủ thể tham gia. 

Mỹ Phương (TTXVN)
Thị trường chứng khoán có thể giảm nhẹ
Thị trường chứng khoán có thể giảm nhẹ

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán đã phải chịu áp lực khá lớn từ hoạt động bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, trong đó lực cung chủ yếu đến từ các quỹ ETFs và một số quỹ ngoại đang nắm giữ cổ phiếu VNM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN