Người dân xếp hàng mua xôi gấc, chè kho, xôi chè tại cửa hàng ở phố Ngô Thì Nhậm. |
Ngày Rằm tháng Giêng, không chỉ sửa soạn mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên mà nhiều người Việt còn có thói quen mua sắm vàng tiền, cành lộc, cành vàng lá ngọc. Nhiều gia đình cũng nhân dịp này sắm sửa những cành vàng lá ngọc, những bông lúa tượng trưng bày biện ban thờ để cầu mong một năm no ấm, mùa màng bội thu.
Năm nay, ngày Rằm tháng giêng rơi vào ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy), nhiều gia đình cũng làm lễ cúng Rằm đúng ngày, với quan niệm đây là dịp quan trọng nhất trong năm để cầu cho gia đình no ấm, an lành. Chị Trần Thị Ngọc (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Năm nay, ngày Rằm tháng giêng vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, nên gia đình tôi cũng làm mâm cơm cúng, cùng tiền vàng, cành vàng lá ngọc dâng biếu các cụ tiên tổ cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu một năm mới no ấm và bình an.
Dạo quanh phố Hàng Mã, cả con phố rực rỡ sắc đỏ như át đi cái lạnh của những ngày cuối Đông đầu Xuân này. Cửa hàng nào cũng bày biện đủ các loại tiền vàng, cành vàng lá ngọc, hương, nến... phục vụ cho ngày Rằm tháng giêng. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thị hàng mã năm nay không tăng nhiều so với mọi năm, nhưng riêng cây tài lộc, cành vàng lá ngọc có tăng nhẹ, thậm chí có thể tăng gấp đôi còn phụ thuộc vào giá cả và biến động thị trường cũng như nguồn cung- anh Quân một tiểu thương trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết.
Anh Quân chia sẻ, cành vàng lá ngọc, cành lộc có giá khoảng từ 50.000 - 200.000 đồng tùy loại. Giá cả phụ thuộc nhiều vào mẫu mã, kích cỡ và chất lượng sản phẩm. Vài năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, thay vì mua những loại vàng mã đắt tiền, người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có giá bình dân. Bên cạnh mặt hàng truyền thống còn có nhiều loại hàng mã được thiết kế phong phú theo đơn đặt hàng và theo mẫu mới của thị trường.
Ngoài việc mua sắm cành vàng lá ngọc, cành lộc, vàng mã để dâng lên bàn thờ, trong ngày Rằm tháng giêng người dân còn có tục phóng sinh bằng cách mua chim, cua, ốc, cá để phóng sinh, với mong cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh,…
Nhiều người bán chim, cua, cá, ốc phóng sinh tại các chợ đầu mối cho biết, tại đây, những năm trước, một chậu ốc 1 kg có giá 80.000 đồng, chậu lớn hơn 150.000 đồng/kg; cá vàng loại nhỏ từ 7.000 đến 10.000 đồng một con; rùa cốm giá 25.000 đến 30.000 đồng một con. Đây là những mặt hàng thường xuyên ‘cháy hàng’ trong ngày Rằm tháng Giêng. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn có giá cao gấp đôi so với ngày bình thường.
Phóng sinh là một nét đẹp trong các lễ hội của người Việt, nó có ý nghĩa và mang lại phúc báu to lớn nhưng phóng sinh phải biết cách. Vào những dịp Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy hay những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta hay tổ chức phóng sinh chim, cá. Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng Từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh. Phóng sinh là thể hiện lòng từ bị của người con Phật, tâm không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình nhưng phúc báu lại to lớn vô cùng.
Tuy nhiên, việc làm tốt đẹp này đang ngày càng mất đi nét đẹp. Thả chim phóng sinh là một việc thiện và dễ làm, nhưng chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi đánh bắt gây thêm nghiệp sát. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật. Việc phóng sinh không đúng cách còn có thể gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.