Nhiều kiến nghị gỡ vướng cho nông nghiệp

Sáng 25/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết kế hoạch năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 với sự tham dự của đại diện 63 tỉnh, thành trên cả nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị toàn ngành nông nghiệp đạt 3,31% (tăng 0,67% so với năm 2013). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 829.300 tỷ đồng, tăng 3,58%. Hầu hết các chỉ tiêu chính của ngành đều có tốc độ tăng trưởng khá so với năm 2013.

Xuất khẩu thủy sản bội thu trong năm 2014.


Đặc biệt, năm 2014 là năm ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức kỷ lục, ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều có kim ngạch tăng, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là gạo, cà phê, tôm, tiêu, điều...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Dự kiến đến hết năm 2014 sẽ có 785 xã đạt chuẩn (8,8%) và bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đã có 2 đơn vị cấp huyện (thuộc tỉnh Đồng Nai) đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết, năm 2014, nông dân được mùa, được giá, chương trình nông thôn mới lan tỏa ra toàn dân, khiến cho đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Tuy nhiên, các địa phương cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, hạn chế tiếp tục là rào cản của ngành nông nghiệp trong năm 2014.

Đại diện tỉnh Gia Lai cho biết, giá nông sản còn bấp bênh, đặc biệt là cao su. Gia lai có 105.000 ha cao su, vì giá thấp nên không ít nông dân muốn chuyển đổi sang một số cây khác. Do vậy, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cao su tại Gia Lai, đồng thời Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư để gỡ khó cho nông dân.

Không chỉ riêng Gia Lai, nhiều tỉnh cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho người dân. Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, nếu chuyển đổi lúa sang trồng mầu dài hạn, cần có nghiên cứu và hỗ trợ nông dân chuyển đổi. Đặc biệt, cần xây dựng bản đồ thổ nhưỡng để mang lại lợi ích lâu dài.

Về chương trình nông thôn mới, ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hiện dang ở mức bình quân 1,1 - 1,8 tỷ đồng/xã. Đối với các xã miền núi, số tiền này quá nhỏ, vì cơ sở hạ tầng các xã này thấp, điều kiện giao thông không thuận tiện. Do vậy, cần lấy tiêu chí bình quân xã miền núi để có mức hỗ trợ hợp lý hơn.

Đại diện các tỉnh, thành phố miền biển như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên cho rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá như cảng cá, các khu neo đậu, dịch vụ nghề cá còn rất hạn chế, cần nguồn vốn đầu tư lớn từ Chính phủ.

Ngoài ra, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng Nhà nước có nhiều chính sách nhưng nông dân, doanh nghiệp không tiếp cận được. Ví dụ, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/ha lúa, tương đương 18.500 đồng/sào, mà mỗi nhà chỉ có vài sào. Vì vậy, họ không mặn mà đi nhận hỗ trợ. Đó là chưa kể các xã vùng núi, đường xá xa xôi. Nhiều chính sách khác còn bị lãng quên.

Do vậy, “Cần khảo sát sâu rộng, đánh giá hiệu quả của các chính sách này, chính sách nào không phù hợp thì cần sửa đổi ngay”, ông Việt nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm 2014 và ghi nhận ý kiến từ các địa phương.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2015 ngành nông nghiệp cần tiếp tục hướng tới tăng trưởng chất lượng, đột phá nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Không lấy giá rẻ để cạnh tranh mà xây dựng chất lượng để khẳng định thương hiệu; bám sát thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, trước tiên cần nâng cao hiệu quả quản lý ngành, cải cách hành chính, tháo gỡ cho lực lượng doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng, đưa ra những mô hình tiên tiến, tổ hợp tác, tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao. Ngành cần đổi mới công nghệ, nhập khẩu giống, trong xây dựng nông thôn mới chú ý vấn đề xử lý chất thải, các công trình phòng chống thiên tai...

Đặc biệt, ”Năm 2014, nhiều hiệp định tự do thương mại sẽ có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm nông sản nhưng cũng đồng thời tạo sức ép ngay trên sân nhà. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để không bị trả giá do hội nhập”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà: 

Đầu tư xây dựng dịch vụ nghề cá Bình Định có thế mạnh xuất khẩu cá ngừ, vì vậy tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như, mua 5 bộ thiết bị câu cá từ Nhật Bản, xây dựng chuỗi đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản, mời các chuyên gia Nhật Bản sang đánh giá và đưa sang Nhật Bản đấu giá. Tỉnh cũng phê duyệt đóng 37 tàu cá vỏ sắt, chuyển sang ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ nghề cá còn hạn chế. Ví dụ, khu neo đậu Tam Quan thường xuyên có 2.000 tàu, nhưng luôn bị bồi lấp, gây khó khăn cho các tàu lớn. Để nâng cấp thì cần kinh phí rất lớn. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho tỉnh. 

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:

Chưa thu hút được doanh nghiệp Nghị định 210 của Chính phủ chưa thực sự thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ dự án có quy mô lớn mới được hỗ trợ. Ở các tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi, sấy nông sản… rất khó tiếp cận. Do vậy, cần “nới” các quy định để các doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa khi đầu tư vào nông nghiệp.



Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN