Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, hàng năm, Bộ Tài chính đã xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến, liên quan đến các vấn đề phát sinh toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Những vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam yên tâm mở rộng sản xuất như: Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), vướng mắc liên quan đến thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu về chi phí khi tính thuế TNDN.
“Nhiều giải pháp chưa có tiền lệ về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Cụ thể: Bộ Tài chính đã ban hành theo thầm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hô trợ khoảng 200.000 tỷ đồng/năm, trong đó tập trung vào các giải pháp về gian hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Để chủ động ứng phó với việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu trong khung khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng từ đầu năm 2024.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
“Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển; đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay”, lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.
Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc được giới chuyên gia kinh tế nhận định là đối tác tiềm năng trong chiến lược phát triển Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2024, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 525,7 triệu USD; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,8%).
Tính lũy kế đến ngày 20/2, Việt Nam có 39.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 473,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 300 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Tính tới ngày 20/2, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.