Chia sẻ tại Tọa đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản", do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 1/8, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, 3 dự án luật: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai có hiệu lực sẽ giải quyết được câu chuyện về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Thời gian qua, nhiều dự án vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó có những dự án áp dụng theo Luật Đất đai 1993, đến nay vẫn còn vướng mắc. Đến Luật Đất đai 2013, các quy định đã có nhiều thay đổi, nhưng nhiều địa phương không thực hiện được, dẫn đến nhiều sai phạm trong định giá đất tại các địa phương.
“Với việc 3 Luật có hiệu lực sớm, hy vọng sẽ tháo gỡ được vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn phải trông chờ các thủ tục hướng dẫn thi hành, thông tư của các bộ, ngành. Đến nay, đã có các Nghị định được ban hành về: Hoạt động lấn biển; định giá đất; bồi thường tái định cư; điều tra đánh giá đất đai... đây là các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Còn 2 Nghị định nữa về: Thu tiền sử dụng đất; quyết định phát triển đất do Bộ Tài chính soạn thảo, đã trình Chính phủ”, ông Đào Trung Chính cho biết.
Còn theo ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều dự án nói về vướng mắc pháp lý, nhưng chủ yếu là do không thực hiện được dẫn đến vướng mắc. Dù luật đã quy định, nhưng nhiều dự án không làm theo tuần tự, dẫn đến sai sót. Việc đẩy sớm hiệu lực thi hành của 3 Luật so với dự kiến 5 tháng có lợi cho thị trường bất động sản, giúp các dự án tiếp cận đất đai minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, người dân. Bên cạnh đó, Luật Đất đai tháo gỡ nhiều về giá đất và bồi thường tái định cư, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất...
Vấn đề đáng chú ý nữa là Luật Đất đai lần này tăng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho địa phương, nhà đầu tư. Luật quy định doanh nghiệp được sử dụng quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm dự án nông nghiệp, với điều kiện có phương án sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận đất đai tốt hơn.
“Với đất lúa, trước đây chỉ cho người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định mới, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nếu có điều kiện, có khả năng trồng lúa, cũng được nhận quyền chuyển nhượng, đầu tư sản xuất lúa. Như vậy, đất nông nghiệp sẽ có giá trị và người dân trân trọng đầu tư đất đai, nắm giữ, chuyển nhượng và tôn trọng quyền sử dụng đất, gia tăng giá trị cho sản xuất”, ông Lê Văn Bình cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, có tới trên 3 tỷ USD từ các dự án bất động sản không triển khai được và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Với 3 luật có hiệu lực, mỗi dự án, doanh nghiệp và chính quyền sẽ biết sai ở đâu để sửa, cấp phép cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, luật ban hành tạo ra sự công bằng, minh bạch, hướng tới chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn.