Nhiều công trình giao thông vốn ODA đang đối mặt với việc thiếu nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai dự án. Nếu không được tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đề ra. Đối mặt với nhiều nguy cơ Đến năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thu hút được vốn xã hội hóa khổng lồ lên tới 160.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để xây dựng các công trình trọng điểm có quy mô và tổng mức đầu tư lớn như: Cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài, các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện… thì nguồn vốn ODA và vay thương mại từ các nhà tài trợ vẫn giữ vai trò quan trọng.
Do việc thu xếp vốn đối ứng từ ngân sách (chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư các dự án) luôn rơi vào thế bị động, không đáp ứng đủ nhu cầu, nên phần lớn các dự án ODA đều lâm vào cảnh vốn xây lắp có sẵn nhưng vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng thiếu nên chưa có mặt bằng thi công.
Cầu Nhật Tân đã đưa vào khai thác từng khiến Bộ GTVT phải xoay xở vốn đối ứng để đẩy nhanh GPMB. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Điển hình hiện nay là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn ODA Nhật Bản. Theo VEC, đến nay, nguồn vốn xây lắp của dự án đã được nhà tài trợ đáp ứng đầy đủ, các nhà thầu thực hiện đến đâu được giải ngân đến đó. Song, phần vốn đối ứng trong nước được cấp nhỏ giọt và không đáp ứng yêu cầu dự án.
Phó Tổng giám đốc VEC Phạm Hồng Quang cho biết: Đến thời điểm này, công tác GPMB dự án đang đối mặt với thách thức, vì không có vốn đền bù. Năm 2014, dự án cần hơn 2.700 tỷ đồng vốn đối ứng, nhưng chỉ được bố trí 954 tỷ đồng. Năm 2015 cần 1.850 tỷ đồng, hiện mới được cấp 200 tỷ đồng. Thực tế này dẫn đến dự án không có mặt bằng sạch thi công.
Thực tế, đã có nhiều dự án ODA thiếu vốn đối ứng, làm ảnh hưởng đến tiến độ như: Cầu Nhật Tân, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai… và khiến chủ đầu tư, Bộ GTVT phải cân đối nhiều nguồn khác nhau, nhằm không hoãn, giãn tiến độ. Các dự án khác hiện nay như: Đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Tân Vũ -Lạch Huyện, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (hợp phần đường sông)... cũng đang đứng trước bài toán thiếu vốn đối ứng.
Chủ đầu tư tự cứu mình Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng, thiếu vốn đối ứng, các dự án chậm GPMB không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung, mà còn làm tăng mức độ trượt giá nguyên vật liệu do phải chờ GPMB, kéo dài thời gian thi công và các khoản thuế cho các dự án sử dụng nguồn vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, của các nhà tài trợ.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh: Việc thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch triển khai các dự án của chủ đầu tư, nhà thầu. Trong năm 2014, Bộ GTVT đã phải áp dụng các giải pháp “bất đắc dĩ” là cân đối chuyển từ dự án này sang dự án khác, ưu tiên vốn đối ứng cho những dự án trọng điểm, cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn cho từng dự án được chủ đầu tư huy động, quản lý và giải ngân chặt chẽ, nên không thể chuyển đổi. Do đó, chỉ còn cách đề nghị và chờ Chính phủ, các cơ quan liên quan bổ sung sớm.
Đối với 2 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mới đây VEC đã phải kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép sử dụng cơ chế đặc thù là sử dụng nguồn vốn tạm của doanh nghiệp (nguồn thu phí chưa phải trả nợ đến hạn). Cụ thể, VEC được dùng nguồn vốn này để chi trả trước cho phần vốn đối ứng đang thiếu để tiếp tục công tác GPMB cho của dự án. Năm 2014, VEC đã ứng ra gần 600 tỷ đồng phục vụ cho công tác đền bù GPMB.
Liên quan đến nguồn vốn đối ứng cho các dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Bố trí vốn đối ứng đầy đủ cho các dự án ODA là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tiến độ của dự án. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi nếu không giải quyết được vốn đối ứng, công tác GPMB sẽ gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, từ đó dẫn tới trượt giá, làm tăng tổng mức đầu tư.
Được biết, sau khi rà soát tiến độ, tình hình triển khai, thực hiện các dự án, Bộ GTVT đã có báo cáo trình Chính phủ về nhu cầu kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2015 do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đối ứng để thực hiện các dự án ODA của Bộ GTVT năm 2015 là 10.826 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã được giao kế hoạch 5.664 tỷ đồng.
Tiến Hiếu