Điều kiện thiên nhiên nắng nhiều là yếu tố quan trọng giúp Bình Thuận dẫn đầu trong nhóm các địa phương phát triển toàn diện ngành công nghiệp điện. Cụ thể, nhờ ít mưa, số giờ nắng trong năm luôn ở mức lý tưởng và phần lớn diện tích có cường độ bức xạ nhiệt trung bình khoảng 5 kWh/m2, mà địa phương có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời. Tiềm năng điện mặt trời của Bình Thuận đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn triển khai dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Đối với quy hoạch phát triển điện mặt trời, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên năng lượng lẫn đất đai một cách tối ưu. Quy hoạch này cũng gắn với chiến lược phát triển năng lượng chung và hài hòa với phát triển của các ngành kinh tế khác, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương...
Cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh chuyển đổi rõ nét theo hướng khuyến khích phát triển năng lượng sạch song hành với các ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước vào năm 2020 với tổng công suất đạt trên 12.000 MW.
Tính đến tháng 6/2017, đã có 5 dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình và thành phố Phan Thiết với tổng vốn đầu tư trên 14.800 tỷ đồng. Trong đó có dự án lớn như: Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, diện tích 309 ha. Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết, diện tích 211 ha...
Bên cạnh đó, đến nay UBND tỉnh cũng có văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư gần 30 dự án điện mặt trời xin đăng ký triển khai trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó có 2 dự án đã lập bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và được Bộ Công Thương phê duyệt là: Nhà máy Điện mặt trời Eco Seido (công suất 40 MW) và Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi (công suất 47 MW).
Hiện trên toàn địa bàn Bình Thuận có hơn 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án điện mặt trời với nhu cầu sử dụng đất khoảng 7.730 ha. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở khu vực Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân…
Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời tổng công suất trên 4.000 MW. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch trong tương lai.