Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại thị trường Tây Phi

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra cảnh báo một số hình thức lừa đảo doanh nghiệp Việt tại các khu vực Tây Phi như Nigeria, Cameroon, Togo, Cameroon, Ghana, Sierra Leone, Chad và Libera.

Hình thức lừa đảo của các đối tượng này rất đa dạng và tinh vi. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vì muốn mua, bán được hàng giá rẻ đã không cảnh giác, nhiều trường hợp bị "dính bẫy" trong thời gian gần đây.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp gỗ thường được các đối tượng lừa đảo ở Tây Phi nhắm tới nhiều nhất.

Cụ thể như một công ty tại Maroc có tên EDEN AGRO FOOD SARL và chi nhánh ngân hàng Maroc. Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên thận trọng, không giao dịch với công ty này. Đây là công ty có biểu hiện không trung thực trong giao dịch nhập khẩu, đưa ra nhiều yêu sách đối với bên xuất khẩu và tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết và có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán.

Theo đó, một công ty của Việt Nam đã gặp trục trặc do bán hàng cơm dừa cho Công ty EDEN. Khi hàng đến cảng Maroc, Công ty EDEN từ chối nhận hàng. Bằng nhiều biện pháp, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã thuyết phục được công ty này lấy hàng và thanh toán 50% số tiền. Theo thỏa thuận giữa hai bên doanh nghiệp, số tiền còn lại được ký quỹ tại ngân hàng thu hộ. Tuy nhiên, Công ty EDEN tiếp tục tìm mọi cách gây khó dễ, lẩn tránh nghĩa vụ thanh toán, trái lại với thông lệ giao dịch quốc tế. Qua tìm hiểu, công ty này đã nhiều lần sử dụng mánh khóe kể trên với các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ.

Một công ty khác là Công ty LEADER SHIPPING MOROCCO có giám đốc điều hành là Hassan Ouaki. Công ty này thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu các nước, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam để chào dịch vụ vận tải giao nhận đối với hàng hóa xuất khẩu sang Maroc. Tuy nhiên, khi hàng đến Maroc, công ty này cấu kết với bên nhập khẩu để rút hàng ra khỏi cảng mà không thanh toán tiền cho Ngân hàng Maroc được giao thu hộ qua phương thức thanh toán đổi chứng từ. Khi được hỏi, công ty này luôn đưa ra các lý do để thoái thác trách nhiệm và khẳng định chỉ là trung gian giao nhận, nhưng thực tế đã giao bộ chứng từ gốc cho bên nhập khẩu để làm hồ sơ lấy hàng.

Ngoài ra, công ty STE TOP ARABIC SARL A.U hoặc tên Văn phòng giao dịch tại Tây Ban Nha là MACROTEX TRADING SL thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu các nước, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản như hoa quả đóng hộp, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gia vị… Sau khi ký hợp đồng với phương thức thanh toán đổi chứng từ và bên bán đã gửi hàng theo cam kết, công ty này không lấy hàng, bỏ mặc hàng lưu kho với mức phí hàng ngày tại Maroc rất cao nhằm mục đích ép giá, gây thiệt hại và đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Chú thích ảnh
VCCI khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nên cảnh giác khi giao dịch với các đối tác tại Tây Phi, không nên chuyển tiền trước với bất cứ lí do gì.

VCCI khuyến cáo có 4 trường hợp lừa đảo phổ biến nhất. Thứ nhất là lừa đảo trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam: Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng nhập khẩu với trị giá cao (từ 1 – 2 triệu USD). Các đối tượng này thường ‘‘chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá”. Sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, hoặc đề nghị doanh nghiệp Việt Nam trả chi phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư... từ 1 –2% trị giá lô hàng.

Trường hợp thứ hai, lừa đảo trong đấu thầu: Các đối tượng lừa đảo thường lấy tên một tổ chức tại châu Phi, tạo một trang web giả, thường đưa ra một gói thầu với giá trị cao, cần các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam gửi thư xin dự thầu. Trong một thời gian ngắn, đối tượng lừa đảo gửi một thư thông báo doanh nghiệp Việt Nam đã thắng thầu và đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam trả lệ phí đấu thầu, từ 1.500 – 2.500 USD.

Trường hợp thứ ba, lừa đảo trong việc xuất khẩu (gỗ, sắt phế liệu…): Các đối tượng lừa đảo thường chào giá xuất khẩu hàng hóa (gỗ, sắt phế liệu) với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 30%, tạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam bị “ảo tưởng sẽ lãi”, nếu nhập khẩu hàng của họ. Đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc 20-30%. Sau khi nhận tiền cọc, sẽ không giao hàng.

Trường hợp thứ tư, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu (gỗ), giao một vài hợp đồng ban đầu đúng hạn, các hợp đồng sau không giao hàng: Các đối tượng này thường ký 5 – 7 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (gỗ) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng tốt, nhằm tạo ra sự tin tưởng cho doanh nghiệp Việt Nam. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30%-50% trị giá hợp đồng, sau đó không giao hàng.

Từ các vụ việc trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, đề nghị doanh nghiệp trong nước không chuyển tiền trước với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, chẳng hạn như phí môi giới, phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu (NAFDAC), phí luật sư...

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ

Việc thị trường duy nhất là Ấn Độ chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” với sản phẩm hương nhang từ ngày 31/8/2019 đã gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN