Nhiều công trình khoa học chưa được ứng dụng trong sản xuất

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, nơi đặt trụ sở của hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu lớn với đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, mỗi năm đã nghiên cứu hàng trăm công trình khoa học có giá trị, nhưng nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa tiếp cận được với sản xuất nên hiệu quả ứng dụng và sức lan tỏa chưa cao.

Chú thích ảnh
Robot cho công nghiệp cơ khí, điện tử tại Triển lãm quốc tế về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo - HaNoi MTA 2024. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các viện nghiên cứu, trường đại học năm 2024 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 15/10.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp hiện có nhu cầu rất lớn trong đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, có hàm lượng chất xám cao vào sản xuất kinh doanh. Trong khi giá thành chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài rất cao, nhiều công nghệ, thiết bị trong nước đã có thể nghiên cứu, sản xuất được nhưng nhiều công trình khoa học vẫn chưa được ứng dụng trong sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng: "Hội nghị được triển khai với mục đích kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm đưa các nghiên cứu của các nhà khoa học đến với sản xuất của doanh nghiệp".

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp gỡ, trao đổi, định hướng, gắn kết, liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất đáp ứng nhu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội khẳng định, việc chuyển giao công nghệ từ các trường đại học và viện nghiên cứu mang lại nhiều lợi ích như: giúp doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu và năng lượng; rút ngắn thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, công nghệ hiện đại cho phép doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thương mại. 

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các trường đại học đã cùng các doanh nghiệp tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn, chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế. 

Tính đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 289 sản phẩm của 191 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giày; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ. 

Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký các biên bản thoả thuận hợp tác giữa: Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp với Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; giữa trường Đại học Phenikaa và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố.

Nam Giang (TTXVN)
Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từng địa phương cũng như cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN