Phóng viên TTXVN đã ghi nhận thực tế tại hầm số 14, có chiều dài hơn 940 mét, đây là hầm dài nhất trong tổng số 6 hầm tại khu vực đèo Hải Vân. Bên trong hầm đã bị phong hóa, xuống cấp, khắp nơi đều có tình trạng thấm dột, ướt đẫm. Trên nóc hầm bằng bê tông xuất hiện nhiều vết nứt, nước chảy xuống thành dòng. Đặc biệt ở giữa hầm, còn khoảng 100 mét không có vòm hầm bê tông mà chỉ có vòm bằng đá tự nhiên. Hai bên tường hầm có nhiều ô tránh tàu để những người trực gác trú tạm khi tàu chạy qua, nhưng nước dột đã đọng thành vũng trong các ô tránh tàu.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng (đơn vị quản lý hệ thống đường sắt qua các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), tuyến đường sắt đèo Hải Vân có nhiều đoạn đi qua các vùng địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nên bán kính đường cong nhỏ, hoãn hòa ngắn, tốc độ thông qua đường cong thấp. Trên tuyến có nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ.
Trên đoạn tuyến có 6 hầm, từ hầm số 9 đến hầm số 14 với tổng chiều dài 2.337 m được xây dựng từ những năm 1926 - 1931; trong đó, các hầm số 9, số 10, số 13 đã được cải tạo toàn diện và hoàn thành vào năm 2006 bằng nguồn vốn ODA của Pháp với chiều dài là 1.670 m. Còn lại, các hầm số 11, số 12 và số 14 (tổng chiều dài 1.667 m) cũng đã sử dụng từ lâu nhưng chưa được nâng cấp, kết cấu vỏ hầm chủ yếu bằng bê tông hoặc đá tự nhiên có chất lượng kém, bị phong hóa và dột.
Riêng hầm số 14 được đưa vào sử dụng từ năm 1931, kết cấu vỏ hầm chủ yếu bằng bê tông và đá tự nhiên. Hiện hầm có tình trạng rỉ nước thường xuyên, nguyên nhân do hầm xây dựng đã lâu, mạch vữa bị phong hóa thấm dột nhiều nơi. Đặc biệt là tại các khoang số 10, 11, 85, 86, 90, 93 nước chảy thành dòng. Hiện tượng hầm bị thấm dột đã khiến ray, tà vẹt, phụ kiện liên kết bị rỉ rét nhanh. Nền đường trong hầm thiếu chiều dày nền đá, hệ thống thoát nước dọc xuống cấp.
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng Hoàng Anh Dũng, vào năm 2021, đơn vị đã thực hiện đại tu kết cấu đường sắt trong hầm 14, xây dựng hệ thống cống gom nước 2 bên tường hầm để giảm thiểu thiệt hại do nước ngầm rò rỉ. Còn để sửa chữa, nâng cấp kết cấu tường và vòm hầm thì cần có đội ngũ chuyên môn và nguồn kinh phí rất lớn nên đơn vị đề xuất các cấp trên nghiên cứu, có giải pháp. Để đảm bảo an toàn chạy tàu, hàng ngày đơn vị cử các nhân viên trực hầm liên tục đi trên tuyến để kiểm tra lại các thanh ray, tà vẹt, kết cấu trong hầm.
Trên đoạn tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân cũng có 36 cầu với tổng chiều dài khoảng 688 m. Trong đó, có 8 cầu thép (tổng chiều dài 129 m) và 28 cầu bê tông/đá xây (tổng chiều dài 559 m). Các cầu thép có cấu tạo từ các dầm chữ I ghép, được đưa vào sử dụng từ trước năm 1975, hiện dầm thép đã bị gỉ sét, các gối cầu, mố cầu bị xuống cấp. Còn các cầu bê tông bê tông cũng bị phong hoá bởi tác động của môi trường và thời gian…
Về giải pháp nâng cao an toàn chạy tàu trên khu vực đèo Hải Vân, Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để tu bổ, nâng cấp hệ thống cầu, hầm trên tuyến. Trong đó, dự kiến thay ray, thay tà vẹt sắt mới, cải tạo nền đá, hệ thống thoát nước (tổng chiều dài 16 km); thay mới 7 cầu thép bằng cầu bê tông máng đá ballast (tổng chiều dài hơn 100 m), cải tạo các hầm số 11, 12, 14 (tổng chiều dài 1.667 m); gia cố mái taluy tại 14 vị trí có nguy cơ sạt lở...