Nhiều bộ, ngành chưa quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh

Đây là nhận định mà Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đang tiến hành đánh giá về việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Một số bộ, ngành đã được “nhắc nhở” như Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; tức là vẫn còn hơn 400 mặt hàng nữa cần được cắt giảm và đều nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược…

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: TTXVN

Hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa xem xét với 128 mặt hàng cũng như 37 bộ thủ tục hành chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường có 132 mặt hàng mà đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành; chưa hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đúng thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Bộ Giao thông và Vận tải có 127 mặt hàng chưa đề xuất cắt giảm, như vậy cần đề xuất cắt giảm tới ít nhất 64 mặt hàng mới đạt chỉ tiêu giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành như chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, bộ này còn có 9 bộ thủ tục hành chính chưa đề xuất cắt giảm, tức là có 5 bộ thủ tục hành chính thuộc diện cần đề xuất xem xét…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đã có nhiều bộ, ngành khác được cộng đồng doanh nghiệp và Tổ Công tác của Thủ tướng đánh giá rất cao vì đã có động thái tích cực cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con…

Cụ thể như Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP; trong đó, cắt giảm 11 điều kiện kinh doanh, 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử so với Nghị định số 72 nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Hay như Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, công bố sản phẩm; kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm.

Ước tính, việc thực thi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang đặt mục tiêu năm 2018 sẽ cắt giảm và đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính trong tổng số 452 thủ tục hành chính hiện có của bộ. Bộ Giao thông và Vận tải cũng đang tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý; trong đó, dự kiến sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong các quy định hiện hành với mục tiêu cấp bách đặt ra cho năm 2018 là cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất - nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Chính nhờ những nỗ lực ấy, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ tín nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư ở Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện thuận lợi, tạo niềm tin cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển hơn nữa.

Thạch Huê (TTXVN)
Cấm cán bộ, công chức thực hiện những hành vi này khi giải quyết thủ tục hành chính một cửa
Cấm cán bộ, công chức thực hiện những hành vi này khi giải quyết thủ tục hành chính một cửa

Cán bộ, công chức không được đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN