Vừa thiếu, vừa yếu
Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận như các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… chuyên canh sản xuất rau, hoa nổi tiếng trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi cung cấp nguồn nông sản với hàng triệu tấn rau củ, hàng tỷ cành hoa mỗi năm cho thị trường. Vì vậy, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng, nhưng đây lại đang là điểm yếu của Lâm Đồng. Bởi trên thực tế, hạ tầng phục vụ logistics ở địa phương này hầu như chưa phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm (thành phố Đà Lạt) thẳng thắn nhận xét, hạ tầng logistics ở Lâm Đồng hầu như chẳng có gì cả. Là một đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh hoa cắt cảnh số lượng lớn, công ty phải tự đầu tư, xây dựng các kho lưu trữ, vận chuyển để phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước.
Trên thực tế, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua là một phép thử cho ngành logistics ở Lâm Đồng. Thực tế, khi Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam “đóng băng” vì dịch, việc vận chuyển hàng hoá, nông sản từ Lâm Đồng đi các thị trường tiêu thụ chủ lực cực kỳ gặp khó khăn. Nhất là việc thành lập những đầu mối tập trung, lưu trữ, giao - nhận hàng hoá trên địa bàn. Để “chữa cháy”, 12/12 huyện, thành trong tỉnh phải lập hàng loạt điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá.
Ông Trần Thiện Thanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau Thiện Thanh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết, trong đợt cao điểm dịch COVID-19 bùng phát, vận chuyển hàng hoá gặp nhiều khó khăn và chi phí tăng lên gấp đôi nhưng hợp tác xã vẫn phải gồng gánh để tiêu thụ được sản phẩm.
“Do dịch vụ tại địa phương không đáp ứng được, chúng tôi phải thuê dịch vụ logistics ở Tp. Hồ Chí Minh. Họ có nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá xuống và sau đó phân phối đến tận tay các mối tiêu thụ, dù chi phí cao nhưng còn hơn không” - ông Thanh chia sẻ.
Năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu phát triển thương mại một cách đồng bộ, toàn diện, theo hướng văn minh, hiện đại; trong đó có các nội dung về phát triển hạ tầng logistics như hình thành một Trung tâm logistics tại thành phố Bảo Lộc; hình thành 3 kho bảo quản, lưu trữ nông sản tại 3 huyện trong tỉnh; trong đó, hình thành chợ và trung tâm giao dịch hoa tại khu vực chân đèo Prenn (thành phố Đà Lạt). Tuy nhiên cho đến nay, tất cả nội dung trên đều chưa thực hiện được do khó khăn trong việc bố trí quỹ đất.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, ngoài 2 khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy 80 - 100%) thì hiện toàn tỉnh có 10 Cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch sau khi điều chỉnh là 352ha, diện tích đất công nghiệp là 258,97ha, chiếm 73,57% tổng diện tích đất cụm công nghiệp. Ngoại trừ Cụm công nghiệp Gia Hiệp (huyện Di Linh) đã giải phóng 100% mặt bằng, 9 cụm còn lại đều khó khăn trong việc giải phóng bằng. Do đó, việc chuyển đổi các cụm công nghiệp sang thành hạ tầng phục vụ hoạt động logistics hiện chưa khả thi.
Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của chuỗi bảo quản, lưu trữ, vận chuyển hàng hoá là bài toán cần đặt ra giải quyết. Đặc biệt, Lâm Đồng là vùng sản xuất trọng điểm nhưng chủ yếu vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, do đó chi phí logistics tăng cao khoảng 30% so với việc vận chuyển bằng đường thuỷ, đường sắt.
Cần thiết có trung tâm logistics
Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, bốc dỡ hàng hoá quy mô nhỏ; 8 đơn vị thực hiện chuyển phát hàng hoá; khoảng 102 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá; hơn 20 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bán buôn, bán lẻ… Tuy nhiên các doanh nghiệp, đơn vị này hầu hết hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ, chưa tạo được sự liên kết thành các chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh. Thậm chí, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 bến xe ô tô khách nhưng lại không có bến xe vận tải hàng hoá chuyên biệt, trong khi toàn tỉnh có hơn 100 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bốc, xếp, phân phối hàng hoá, nông sản.
Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến phát triển hạ tầng logistics và xem là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Hiện ngành công thương đã phối hợp với ngành nông nghiệp quy hoạch lại các vùng sản xuất, phối hợp với ngành vận tải để tăng công suất vận chuyển hàng hoá. Đồng thời cùng với một số địa phương tổ chức quy hoạch, xây dựng 2 trung tâm logistics ở huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc, cùng với các kho lạnh, kho trung chuyển vệ tinh để phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, nông sản trên địa bàn.
Trong quyết định quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics toàn quốc định hướng đến năm 2030 của Chính phủ phê duyệt năm 2015, tỉnh Lâm Đồng không quy hoạch trung tâm logistics mà thuộc Tiểu vùng kinh tế các tỉnh Đông Bắc Tp. Hồ Chí Minh sẽ có một trung tâm logistics hạng I, có quy mô tối thiểu 60 ha đến năm 2020 và trên 100 ha đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Lâm Đồng, tỉnh này là một vùng chuyên cung cấp các loại nông sản cho Tp. Hồ Chí Minh và cả nước, do đó, cần có các trung tâm sau thu hoạch kết hợp với logistics để nâng cao giá trị nông sản, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa nội dung này vào chương trình hỗ trợ của quỹ khuyến công quốc gia dành cho các địa phương.