Nhà nông tranh thủ lấy, tích nước

Nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu nhiều hơn đang giúp đẩy mặn và chống khát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bà con nông dân khắp nơi phấn khởi, tranh thủ lấy và tích nước.

Niềm vui cứu hạn

Mấy ngày qua, mực nước qua các trạm đo ở tỉnh Đồng Tháp đều tăng cao lên khoảng 15 cm so với thời điểm cuối tháng 3 do nước ngọt đổ từ thượng nguồn về. Điều này khiến bà con nông dân ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) không giấu được niềm vui và đã tranh thủ bơm tích trữ nước ngọt vào các ao, các kênh mương để phục vụ sản xuất. Ông Sáu Tiến ngụ xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đứng nhìn vườn chanh đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, vui mừng nói: “Nghe tin nước ngọt đổ về, tôi vội đưa máy bơm ra sông lớn để bơm nước vào mương tích trữ liền. Nước ngọt về khiến bà con phấn khởi quá vì cứu được rất nhiều vườn cây trồng đang bắt đầu héo. Nước tích trữ đủ tưới trong một thời gian nữa”.

Trước thông tin nước ngọt đã về, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu 2016 bắt đầu từ ngày 1/4 đến 10/5 nhằm đảm bảo tránh hạn và xâm nhập mặn theo từng vùng cụ thể với kế hoạch xuống giống lúa là 228.225 ha. Tuy nhiên ngay thời điểm cuối tháng 3, bà con nông dân trồng lúa thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú đã xuống giống sớm với diện tích lên đến 30.000 ha. Do vậy khi thấy nước ngọt dưới kênh tăng lên từng ngày, bà con đều thở phào nhẹ nhõm.

Lùi thời gian gieo mạ vụ hè thu tới đầu mùa mưa.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nước từ thượng lưu đã về đến vùng ĐBSCL từ ngày 3/4 và dự kiến sẽ đạt đỉnh từ ngày 5 - 7/4. So với ngày 2/4, dòng chảy tại trạm Tân Châu (sông Tiền) tăng 170 m3/s và dòng chảy tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tăng 38 m3/s. Trước đó, các ngành chức năng ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã gia cố, sửa chữa và xây mới hàng trăm cống đập lớn nhỏ để ngăn mặn, trữ ngọt và tăng cường lực lượng túc trực để vận hành hệ thống cống đập, đón nguồn nước ngọt đổ về.

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL tranh thủ đợt nước ngọt từ thượng nguồn về để khai thác và tích trữ vào hệ thống kênh, mương, hồ để đảm bảo sử dụng trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng lưu ý ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; sau đó sẽ bố trí cơ cấu cây trồng cũng như mùa vụ một cách hợp lý phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Lùi thời gian gieo sạ

Theo tính toán của Cục Trồng Trọt - Bộ NN&PTNT, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Năm nay hiện tượng El Nino ảnh hưởng trên toàn lưu vực sông Mê Kông, không chỉ ở ĐBSCL mà phần thượng lưu ở Trung Quốc cũng bị hạn trầm trọng. Do vậy, lượng nước đổ về ĐBSCL thấp kỷ lục và gây hạn hán nặng nề. Tính đến hết tháng 3, 9/13 tỉnh vùng ĐBSCL đã công bố tình trạng thiên tai và có hàng trăm nghìn ha diện tích lúa bị thiệt hại. Theo nhiều chuyên gia, con số thiệt hại này chưa dừng lại.

Theo một số chuyên gia, dù nước ngọt về đến hạ nguồn vùng sông Tiền, sông Hậu nhưng nguồn nước này chỉ nhất thời, không mang tính bền vững. Do vậy, ngành nông nghiệp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ xuống giống lúa vì tình hình khô hạn còn kéo dài, nguy cơ cao sẽ thiếu nước vụ hè thu, nhất là khu vực cách cửa sông dưới 40 km, khu vực ven biển.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian gieo sạ vụ hè thu tới đầu mùa mưa. Theo đó, thời vụ sẽ bắt đầu khi có mưa, khoảng nửa đầu tháng 6 tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 70 km. Còn thời vụ cần tập trung trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam quốc lộ I cách biển 70 km. Đối với vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu sẽ xuống giống trong tháng 4 đầu tháng 5.
Anh Đức - Duy Khương
Nước về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh từ ngày 5-7/4
Nước về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh từ ngày 5-7/4

Dự kiến lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh vào ngày 5 - 7/4 và có hiệu quả đẩy mặn, lấy ngọt tại các vùng cửa sông từ ngày 12/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN