Tại Tokyo phiên chiều 7/2, đồng USD biến động trong biên độ hẹp, trong bối cảnh bao trùm thị trường là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, ở thời điểm Mỹ sắp công bố thống kê về tình hình việc làm của khu vực phi nông nghiệp dự kiến vào cuối ngày hôm nay.
Thống kê trên sẽ là chỉ dấu để nhà đầu tư dò đoán thể trạng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Nếu khả quan, thông tin này sẽ xóa tan mối lo về nguy cơ kinh tế sa sút sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu. Hiromichi Shirakawa, chuyên gia nghiên cứu tại Credit Suisse, cảnh báo về quan điểm của các ngân hàng trung ương tại khối nước đã phát triển (kìm lại các biện pháp nới lỏng mới hoặc cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế cũ), có thể tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn Dow Jones Newswires, Masafumi Yamamoto, chiến lược gia về thị trường thuộc Praevidentia Strategy dự báo đồng tiền xanh có thể bật lên 103 yen/USD nếu thống kê về thị trường lao động Mỹ theo đúng, hoặc vượt, dự báo của thị trường.
Tại Tokyo, đồng tiền xanh được giao dịch với giá 102,08 yên/USD, không thay đổi nhiều so với mức 102,1 yên/USD ở New York phiên trước. Trong khi đó, tỷ giá euro/USD và euro/yên đứng ở mức 1,3588 USD/euro và 138,7 yên/euro, so với 1,3591 USD/euro và 138,79 yên/euro phiên 6/2.
Phiên 6/2, đồng euro tăng giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của giảm phát đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Cũng trong phiên 7/2 tại Tokyo, đồng USD xuống giá so với các đồng tiền của Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Philippines, nhưng lại đi lên so với đồng TWD (Đài Loan), và đứng giá so với đồng baht (Thái Lan).
Hương Giang