Qua thanh tra cho thấy, khi thực hiện các dự án, giá lập dự toán không đổi, nhưng đến khi thi công giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi doanh nghiệp không được điều chỉnh dự toán. Tại thời điểm năm 2022 đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2023), giá các loại vật liệu tăng bất thường. Đơn cử, giá đá tại mỏ là 300.000 đồng/m3 không có hóa đơn; cát không rõ nguồn gốc giá khoảng 200.000 đồng/m3.
Một số doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, nhưng không đăng ký công bố giá nên khi bán không xuất hóa đơn. Giá bán không có hóa đơn là 280.000 đồng/m3 đá (chưa bao gồm thuế VAT)…
Một số mỏ vật liệu bán theo giá niêm yết, nhưng do công trình xây dựng ở cách xa các điểm mỏ nên đơn vị thi công phải mua các nguồn vật liệu khác không có hóa đơn gần công trình để thi công. Có doanh nghiệp mua cát tại địa phương khác với giá thực mua là 200.000 đồng/m3, nhưng không có hóa đơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Do khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường nên trong quá trình thi công nhà thầu thi công mua tại mỏ khác so với hồ sơ dự toán được duyệt. Qua kiểm tra hồ sơ có một số tình trạng như :giá mua thấp hơn thông báo giá hàng tháng của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên công bố; vật liệu không có giá trong thông báo hàng tháng của Sở Xây dựng công bố nên không có cơ sở để xác định các mỏ vật liệu có bán theo đúng giá niêm yết; vật liệu được mua từ các doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán (không phải là các chủ mở vật liệu) và cũng không có cơ sở để xác định giá bán có theo đúng giá niêm yết.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá.
Các đơn vị có nhu cầu công bố giá gửi đầy đủ hồ sơ công bố giá về Sở Xây dựng; tổ chức rà soát lại cơ cấu hình thành giá khi giá đề nghị công bố tăng cao bất thường. Đối với doanh nghiệp không thực hiện kê khai giá, không đăng ký công bố giá, cơ quan chức năng tham mưu kiến nghị UBND tỉnh xử lý thu hồi mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 284 điểm mỏ; trong đó, 132 mỏ đất đắp với tổng diện tích 2.240 ha; 67 mỏ cát xây dựng với tổng diện tích 1.533 ha; 85 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 982 ha. Các điểm mỏ có diện tích lớn, trữ lượng khoáng sản dồi dào, phân bố rải rác ở tất cả các địa phương và đủ để đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong hơn 10 năm tới.
Tuy nhiên, qua rà soát và số liệu thống kê cho thấy, số mỏ đang khai thác không đáp ứng nhu cầu để cung ứng. Cụ thể, tổng công suất của 4 mỏ đất đắp đang khai thác hàng năm 650.659 m3/nhu cầu 4 triệu m3; tổng công suất của 8 mỏ cát xây dựng đang khai thác hàng năm 91.340 m3/nhu cầu 830 nghìn m3; tổng công suất của 9 mỏ đá đang khai thác hàng năm 565.750 m3/nhu cầu 1,1 triệu m3.
Do số lượng mỏ vật liệu đưa vào hoạt động khai thác quá ít nên nguồn cung cấp vật liệu không đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu cho các công trình, dự án dẫn đến thiếu hụt, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thông thường.