Thông tin trên không chỉ khiến hành khách đi xe buýt mà ngay cả các chuyên gia giao thông, đại diện cơ quan quản lý cũng lo ngại khi hoạt động của mảng dịch vụ này đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân dừng hoạt động được đại diện Công ty Bắc Hà cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, việc kinh doanh của công ty này tại tỉnh Bắc Giang đứt gãy, không hiệu quả. Trong khi đó, doanh thu vận tải khách sụt giảm nghiêm trọng, chi phí xăng dầu, sửa chữa... tăng cao liên tục nhiều năm gần đây. Do đó, Công ty không đảm bảo được nguồn tài chính để duy trì hoạt động, nên phải cơ cấu, thu gọn sản xuất và phải dừng hoạt động vận tải.
Công ty quyết định dừng ngay hoạt động vận tải để đảm bảo cân đối nguồn tài chính đủ chi trả các khoản: tiền lương, tiền phép, hỗ trợ... đối với cán bộ công nhân viên; công nợ cho nhà cung cấp vật tư, nguyên nhiên liệu, dịch vụ; trích nộp đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội để người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm, lương thất nghiệp, chốt năm công tác khi dừng hợp đồng lao động trước thời hạn.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, trong vòng 14 ngày kể từ ngày dừng hợp đồng nêu trên, Công ty sẽ chốt số liệu, lên kế hoạch thanh toán đầy đủ các khoản tài chính cho người lao động (tiền lương, tài sản gửi giữ hộ, lương phép năm 2022) và hoàn thiện thủ tục hành chính cho người lao động (hồ sơ ngưng hợp đồng lao động, nộp đủ các khoản bảo hiểm) để người lao động có đủ điều kiện thụ hưởng ngay chế độ lương thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội thành phố chi trả hàng tháng.
Là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND thành phố Hà Nội từ năm 2005 đến nay, sau gần 17 năm hoạt động, Công ty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố Hà Nội gồm: tuyến buýt số 41 (Nghi Tàm - BX Giáp Bát), 42 (Khánh Dư đi BX Mỹ Đình), 45 (Times City - BX Nam Thăng Long).
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở chưa nhận được thông báo hoặc văn bản về sự việc này của Công ty Bắc Hà. Về việc thông báo dừng hoạt động, đại diện Sở Giao thông vận tải cho rằng, dù lý do gì thì buýt Bắc Hà cũng không thể dừng hoạt động vì đây là những tuyến buýt được trợ giá, mang tính xã hội cao, nằm trong hệ thống mạng lưới vận tải hành khách công cộng chung của thành phố.
Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của dịch vụ vận tải khách công cộng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua, sản lượng hành khách dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội cũng sụt giảm trầm trọng.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động buýt, mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị UBND Thành phố, Sở Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, tăng tần suất trên tất cả các tuyến vận tải hành khách công cộng, tạo thêm việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động.
Hiệp hội cũng bày tỏ quan điểm kiên trì với chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đảm bảo cho người dân được thuận tiện, tiếp cận an toàn và di chuyển bằng xe công cộng nhanh hơn phương tiện cá nhân.
Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội cho biết, để đạt được mục tiêu trên, thành phố cần tiếp tục duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và đẩy mạnh chế tài xử lý, chống các phương tiện khác chiếm dụng làn đường đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay nhằm nâng cao năng lực phục vụ. Đồng thời, tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt; sớm có kế hoạch triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả, nâng cao khả năng phục vụ của xe buýt bằng tốc độ xe chạy.
“Với các tuyến buýt, BRT, metro, cần tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận một cách thuận tiện, an toàn và phải được một tổ chức trực thuộc thành phố quản lý, vận hành, khai thác” - ông Thông kiến nghị.
Bên cạnh các đề xuất nhằm nâng cao năng lực của vận tải hành khách công cộng, Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật Giao thông Đường bộ cho hoàn thiện, phù hợp với giai đoạn mới và thông lệ quốc tế.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất Thành phố Hà Nội cho phép các phương tiện: xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi chung vào làn BRT để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến. Để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở Giao thông vận tải kiến nghị với Thành phố Hà Nội có ý kiến thống nhất với Ngân hàng Thế giới (WB) bởi đây là hạng mục được tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu.
Để kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hào Nam đến các điểm thu hút hành khách, khu vui chơi giải trí, khu phố cổ Hà Nội, khu vực Liên cơ quan..., ngày 1/7, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội đã bắt đầu tổ chức vận hành tuyến buýt số 146: Hào Nam - Khu Liên Cơ - Hào Nam. Theo đó, xe buýt sẽ xuất phát từ Hào Nam (ga Cát Linh) - Giảng Võ - Núi Trúc - Kim Mã - Liễu Giai - Đội Cấn - Bưởi - Võ Chí Công (Khu liên cơ) - Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Hàng Than - Quán Thánh - Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã (Bên trong tòa PTA Kim Mã) - Giảng Võ - Hào Nam (ga Cát Linh).
Xe chạy liên tục từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày với tần suất 14 - 15 - 28 - 30 phút/lượt, giá vé 7.000 đồng/lượt (các loại vé tháng, vé ưu tiên được sử dụng như tuyến xe buýt nội đô hiện hành). Đáng chú ý, phương tiện hoạt động trên tuyến là xe buýt có sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua. Xe được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định của xe buýt thành phố.