Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 11/7 đã cảnh báo, Khu vực đồng euro (Eurozone) có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng mới về việc làm, khi số lao động thất nghiệp ở các nước trong khu vực này sẽ tăng lên tới 22 triệu người trong 4 năm tới, tức có thêm 4,4-4,5 triệu người thất nghiệp nữa so với hiện nay.
Trong báo cáo mới nhất nhan đề “Khủng hoảng việc làm trong khu vực đồng euro: Các xu hướng và phản ứng chính sách”, ILO nhấn mạnh tất cả các nước Eurozone, kể các các nước hiện có sức đề kháng mạnh, sẽ rơi vào khủng hoảng mới về việc làm nếu không thay đổi các định hướng chính sách theo hướng phối hợp hơn.
Xếp hàng chờ xin việc trước một văn phòng nhà nước ở Palma de Mallorca, tại Tây Ban Nha, ngày 27/4. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tổng Giám đốc ILO, Juan Somavia, cảnh báo nếu tình hình này diễn ra, không chỉ các nước khu vực đồng euro mà toàn bộ nền kinh tế thế giới có nguy cơ bị lây nhiễm khủng hoảng. Trừ phi các biện pháp mục tiêu được thực hiện để tăng đầu tư thực vào nền kinh tế, cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn và phục hồi việc làm không thể diễn ra. Hậu quả của suy thoái thị trường việc làm kéo dài sẽ đặc biệt nghiêm trọng trong ngắn hạn đối với thanh niên.
Báo cáo của ILO nêu rõ rằng thất nghiệp đã tăng cao ở hơn một nửa số nước Eurozone từ năm 2010. Khoảng 3 triệu thanh niên độ tuổi 15-24 tuổi thất nghiệp, hơn 1/3 số người ở độ tuổi lao động trong khu vực hoặc thất nghiệp hoặc bị loại ra khỏi thị trường lao động.
Số lao động thất nghiệp dài hạn tăng cao, với tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực là 11% trong tháng Tư và có tới 17,4 triệu người tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở các nước Nam Âu nhưng ngay cả các thị trường lao động ở các nền kinh tế mạnh hơn trong khu vực này như Đức, Bỉ, Áo, Lúcxămbua có số việc làm tăng kể từ năm 2008, hiện cũng có nguy cơ suy thoái.
Các chính sách khắc khổ được nhiều nước trong khu vực theo đuổi đã đóng lại các cánh cửa cơ hội tạo thêm nhiều việc làm. Chính sách này dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu hơn, quyết toán của các ngân hàng tồi tệ hơn, tín dụng bị thu hẹp, đẩu tư thấp và số việc làm bị mất tăng lên.
Báo cáo của ILO cho rằng nếu tính đến lập trường khác nhau giữa các nước Eurozone, khu vực này không dễ đạt được thỏa thuận chung về một chiến lược phối hợp trong đó thay đổi các định hướng chính sách để dành lại lòng tin và sự ủng hộ của người lao động và các công ty.
Vì vậy, khu vực đồng euro khó thực hiện các cải tổ cần thiết để trở lại con đường phải triển ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.
TTXVN/ Tin Tức