Thêm động lực để giữ rừng bền vững
Bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa được giao quản lý, bảo vệ trên 720 ha rừng cộng đồng. Hiện rừng cộng đồng bản Phú Minh có nhiều loại gỗ quý, trữ lượng lớn. Trước đây, bà con bản Phú Minh tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm nên cũng có thu nhập, rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi mới đây, cộng đồng bản được nhận thêm hơn 170.000 đồng/ha rừng/năm từ tiền bán tín chỉ carbon.
Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh phấn khởi cho biết, năm 2023, hàng trăm hộ dân trong bản được nhận tiền hỗ trợ từ việc giao khoán bảo vệ rừng. Có những người được nhận hơn 5 triệu đồng từ tiền công đi tuần tra, giữ rừng. Khi có thêm nguồn hỗ trợ, bà con rất vui, song cũng thấy trách nhiệm đối với rừng ngày càng cao hơn. Dù có khó khăn, vất vả, bà con quyết tâm bảo vệ rừng ngày càng thêm xanh tốt.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ trên 52.000 ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon. Với số tiền này, dựa vào hướng dẫn của cấp trên, Ban lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. Trong đó, 10% nguồn kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng như: Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số còn lại hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng và xây dựng mô hình sinh kế.
Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết, những năm gần đây, công tác bảo vệ rừng luôn gặp khó khăn do nguồn kinh phí bấp bênh. Từ nguồn các Chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp, mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng được nâng lên. Ban tăng cường hợp đồng cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách để bố trí trực ở chốt, trạm tại vùng xung yếu, nơi ngã ba đường, sông suối trong rừng nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi xâm hại đến rừng.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị tăng cường thêm 11 chốt, trạm tại rừng và đảm bảo quân số tuần tra, kiểm soát rừng. Lực lượng này bảo vệ rừng xuyên Tết. Do đó, thời gian qua không để xảy ra hiện tượng rừng bị xâm hại như những năm trước đây, ông Đỗ Minh Cừ cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, ngoài phát huy thế mạnh rừng tự nhiên, thời gian tới, tỉnh mở rộng đối tượng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng. Quảng Bình tổ chức cuộc họp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tham vấn kết quả đánh giá và đề xuất hoạt động nhằm phát triển dự án tín chỉ carbon rừng.
“Khó” chi trả tiền
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình cho biết, số tiền bán tín chỉ carbon được phân bổ cho các đơn vị chủ rừng tại tỉnh là khá lớn, song để chi trả nguồn kinh phí này không dễ.
Quảng Bình thực hiện chi trả kinh phí bán tín chỉ carbon cho các đối tượng hưởng lợi số tiền 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Kinh phí còn lại được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 tiếp tục chi trả theo quy định. Hiện các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND cấp xã được giao quản lý rừng đã nhận số tiền này, với mức bình quân hơn 170.000 đồng/ha.
Với số tiền được nhận từ bán tín chỉ carbon trên 8,2 tỷ đồng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết, đơn vị chi trả được khoảng 10% tổng số tiền là hơn 800 triệu đồng. Số tiền còn lại thực sự lúng túng khi phân bổ kế hoạch chi tiêu.
Cũng theo tính toán của lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, các khoản được chi từ tiền bán tín chỉ carbon khoảng 30% (hơn 2,4 tỷ đồng) trên tổng số tiền được phân bổ về. Số tiền còn lại hơn 5,6 tỷ đồng, đơn vị chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
“Lãnh đạo Ban mong trong số tiền này sẽ được chi cho mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng như, đồ đi mưa, đèn pin… Một phần nữa được chi hỗ trợ cho những người trực tiếp bảo vệ rừng như: Tuần tra rừng, trực ở các chốt, trạm trong rừng để phần nào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho anh em”, ông Đỗ Minh Cừ chia sẻ mong muốn.
Tuy nhiên, theo quy định, số tiền này phần lớn được chi cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, trong khi lực lượng của đơn vị đều là viên chức, hưởng lương của Nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này. Phần lớn diện tích rừng của Ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I với số tiền 400.000 đồng/ha/năm.
"Hiện Ban thực hiện ký hợp đồng bảo vệ rừng với 1.119 hộ đồng bào dân tộc miền núi của các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, với số diện tích ký kết bảo vệ trên 39.500 ha và số tiền chi trả mỗi năm trên 14 tỷ đồng. Điều này có nghĩa bà con không được nhận thêm tiền hỗ trợ trong số tiền bán tín chỉ carbon, trừ khi có quy định hay hướng dẫn mới", ông Đỗ Minh Cừ nói.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm nữa là nguồn kinh phí từ bán tín chỉ carbon sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân phát sinh nhiều vấn đề khi thực hiện. Huyện Quảng Ninh có 16 cộng đồng thôn, bản, mỗi cộng đồng, thôn bản được hỗ trợ một mô hình sinh kế trị giá 50 triệu đồng/năm, trong 3 năm sẽ có thêm 48 mô hình sinh kế.
Theo ông Đỗ Minh Cừ, số tiền chi cho tạo mô hình sinh kế là rất ít. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế được giao cho đơn vị nên Ban phải cử cán bộ khảo sát mô hình hỗ trợ bà con mới phát huy hiệu quả. Trong khi đơn vị không đủ người có chuyên môn cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển kinh tế.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình được phân bổ tiền bán tín chỉ carbon hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị được chi 10% trên tổng số tiền cho quản lý hành chính. Tuy nhiên, cũng như các đơn vị khác, Công ty đang “đau đầu” trong việc giải ngân bởi từ quy định đến thực tế là một khoảng cách rất lớn.
Ông Trần Quang Đảm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình cho biết, thực tế tại doanh nghiệp bảo vệ rừng họ đã giữ được rừng để đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon. Nhưng họ không được hưởng lợi từ số tiền này vì những quy định cụ thể đã ban hành. Hướng dẫn chi trả quy định: “Chi phí triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của Ngân sách Nhà nước”. Hiện toàn bộ diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng phòng hộ và sản xuất của Công ty đang hưởng Ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2020 - 2025, gồm giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trong thời gian đóng cửa rừng. Nếu thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên và giải ngân tài chính từ nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chồng chéo diện tích đang được hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, chủ rừng không thể chi tiền này khi quy định đã rất cụ thể.
Tuy nhiên, “rừng có được như hôm nay là công sức chúng tôi cống hiến qua các thời kỳ. Vì vậy, rất mong có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp mới động viên người giữ rừng làm tốt hơn nhiệm vụ giữ và bảo vệ rừng thời gian tới”, ông Trần Quang Đảm nhấn mạnh.