Bình ổn thị trường
Chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP Hồ Chí Minh ban hành từ năm 2010 đến nay, đã huy động nguồn lực đẩy mạnh triển khai 5 nhóm giải pháp gồm chương trình tập trung thông tin tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.
Điểm sáng có thể kể đến trong việc hiện thực hóa những giải pháp trên là Chương trình bình ổn thị trường, với 100% hàng hóa thuộc 4 nhóm hàng là lương thực - thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu đều là hàng sản xuất trong nước. Thành phố triển khai thực hiện bình ổn thị trường xuyên suốt hàng năm, không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn góp phần khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, sâu rộng từ đô thị đến quận ven, huyện ngoại thành; hay từ khu dân cư đến khu lưu trú công nhân, khu chế xuất - khu công nghiệp và các bếp ăn tập thể. Đơn cử, Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã trở thành công cụ quan trọng để thực hiện chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” với mạng lưới điểm bán gồm 100% nhà thuốc, bệnh viện phủ khắp quận, huyện.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã mở rộng sản xuất và đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như chủ động tạo đủ nguồn hàng. Một số đơn vị đã phát triển mạng lưới phân phối đến các tỉnh, thành gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm để bình ổn thị trường thông qua áp dụng cơ chế giá bình ổn trên toàn hệ thống phân phối bán lẻ.
Tác động tích cực của Cuộc vận động nói chung, Chương trình bình ổn thị trường nói riêng, không chỉ dừng lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Qua đó, thúc đẩy khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa thành phố với nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, là đơn vị nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, tiên phong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op đã trở thành "bệ phóng" quan trọng cho hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước. Song song đó, liên hiệp tạo điều kiệu phát triển nền sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh kinh tế nội địa bằng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phân phối hàng hóa trên toàn quốc và đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến nay, Saigon Co.op đã phát triển hệ thống phân phối trên cả nước với nhiều mô hình kinh doanh phục vụ nhiều phân khúc khách hàng và tạo nên thương hiệu quen thuộc với người dân thành phố và người tiêu dùng trên cả nước. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu mua sắm, Saigon Co.op đã phát triển mô hình trung tâm thương mại, góp phần xây dựng hạ tầng thương mại, bán lẻ TP Hồ Chí Minh hiện đại, văn minh và giữ vững thị phần trên thị trường.
Tăng năng lực sản xuất
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá là thời cơ vàng giúp cho doanh nghiệp cải tiến chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai những giải pháp cụ thể, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt chinh phục người tiêu dùng trên cơ sở chất lượng, chứng nhận tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Trên thực tế, tại TP Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và liên tục phát triển vững chắc trong những năm qua. Cụ thể, ở ngành hàng điện gia dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, phích nước Rạng Đông, dây cáp điện Cadivi, pin - ắc quy Miền Nam, quạt Asia…; bánh kẹo có sản phẩm của Á Châu - ABC, Bibica…; nước chấm, gia vị (Nam Dương, Cholimex, dầu Tường An…); trứng gia cầm, thực phẩm tươi sống, đông lạnh, dinh dưỡng (Ba Huân, San Hà, Sài Gòn food…); văn phòng phẩm (Thiên Long, Bến Nghé…); giày dép, ba lô, túi xách (Hương Mi, Tuấn Việt, Biti’s…); phụ tùng xe (cao su Sao Vàng, Casumina…) khẳng định uy tín và sự tin yêu của người tiêu dùng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa. Đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động quản trị doanh nghiệp, xây dựng uy tín thương hiệu Việt, chủ động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt.
Tuy nhiên trong thời gian tới, bà Lý Kim Chi cho rằng, triển khai Cuộc vận động cần tập trung nâng cao tính hiệu quả, thiết thực của 3 đối tượng trong Chương trình hành động của TP Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp khẳng định năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý để đảm bảo yêu cầu “Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt”.
Đối với Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò trở thành cầu nối gắn kết với sở, ban, ngành chức năng có liên quan trong việc tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế ngày càng gay gắt hơn, đòi hỏi những yêu cầu cao hơn cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động, nhất là trong bối cảnh thị trường thương mại tự do.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cần sớm hoàn thiện hệ thống rào cản kỹ thuật phù hợp với những cam kết về mở cửa thị trường trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và ký kết như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại... Qua đó, xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu trên thị trường nội địa được kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình cụ thể.
Ngoài ra, Chính phủ có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò hơn nữa của Ban chỉ đạo điều phối vùng Đông Nam bộ và vùng trọng điểm phía Nam, hướng dẫn triển khai giải pháp đồng bộ thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với lợi thế và thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, sớm có quy chế phối hợp điều hành vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa bộ, ngành và địa phương.
Về phía các bộ ngành, bà Tô Thị Bích Châu kiến nghị, cần tăng cường vai trò trong thúc đẩy sự phối hợp cơ quan chức năng giữa các địa phương trong nước nhằm khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất và lưu thông hàng hóa. Với doanh nghiệp, nên xác định đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.