Người dân Đà Nẵng chăm sóc hoa Tết. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN |
Tại Hợp tác xã hoa, cây cảnh Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, người dân đang tất bật “chạy đua” với thời tiết để kịp vụ hoa Tết. Theo những người trồng hoa, do thời tiết thất thường, đặc biệt, mưa kéo dài đến cuối tháng cuối tháng 12 nên hoa ra nụ rất chậm và có dấu hiệu “ngủ đông”.
Những ngày này, gia đình bà Trương Thị Tư, người trồng hoa tại Hợp tác xã hoa, cây cảnh Vân Dương gần như “ăn ngủ” tại vườn để chăm sóc từng luống hoa. Bà Tư cho biết, năm nay gia đình trồng 100.000 cây hoa lay ơn, 600 chậu hoa cúc, 300 chậu ly và trên 200 chậu mào gà. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài 80.000 cây hoa lay ơn đã chết, đến nay chỉ còn 20.000 cây nhưng cây ra hoa rất chậm. Để bù lại những diện tích cây hoa đã chết, gia đình bà Tư đã trồng 20.000 cây dưa kim cô nương để thay thế. Đến nay, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng 25/12 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Bà Tư đã mạnh dạn đưa khoảng 20 cây vào chậu làm giàn thử nghiệm để cung cấp ra thị trường sản phẩm hoa, cây cảnh độc, lạ. Hiện hơn 200 chậu hoa mào gà đã ra hoa rất đẹp; 300 chậu ly cũng đã mở nụ bà Tư hi vọng giá của những loại cây này sẽ tăng cao so với năm ngoái để bù lại những diện tích hoa lay ơn đã chết.
Vụ hoa Tết năm nay gia đình chị Đồng Thị Kim Hậu, thôn Vân Dương, xã Hòa Liên trồng gần 3.000 chậu cúc đại đóa và cúc pha lê. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các chậu hoa cúc của gia đình chưa bung hết nụ nên chị Hậu cảm thấy rất lo lắng. Chị Hậu chia sẻ, thời điểm này những năm trước, trên 70 % các chậu hoa đã bung hết nụ khoe sắc nhưng năm nay do mưa nhiều vào đúng thời điểm hoa ra nụ nên số nụ hoa đậu không nhiều, những nụ hoa còn lại thì có dấu hiệu “ngủ đông”. Thời gian này, gia đình chị Hậu dành hết thời gian tại vườn để tích cực chăm sóc hoa với hi vọng hoa nở đúng dịp Tết.
Ông Nguyễn Trung, người trồng hoa tại xã Hòa Liên chia sẻ, thời tiết là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra hoa . Năm nay, thời tiết thất thường, mưa nhiều hơn nắng nên hầu hết các loại hoa nở muộn nên đòi hỏi người trồng phải chăm sóc đúng kỹ thuật. Đặc biệt, người trồng hoa nên hạn chế sử dụng đèn điện thắp sáng bởi nếu lạm dụng ánh sáng điện búp hoa sẽ teo lại và nhanh tàn, hoa sẽ không được giá.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại hơn 200.000 chậu hoa cây cảnh các loại, nhiều cây phát sinh bệnh hại hoặc phát triển kém. Theo những người trồng hoa, khi gặp mưa trong vòng nhiều ngày là điều kiện thuận lợi xuất hiện nấm gây hại cho cây, đặc biệt là hoa cúc. Nấm gây hại làm cây chậm phát triển, lá dưới gốc sẽ ngả vàng héo úa và nhanh tàn nên bông nở không đẹp.
Cũng giống người trồng hoa tại xã Hòa Liên, nhiều hộ trồng hoa tại Hợp tác xã Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu), Gò Giảng (Hòa Phong), Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu)… cũng đang tất bật với những công việc cuối của một mùa hoa Tết. Bất kể lúc thời tiết khắc nghiệt nhất, các hộ trồng hoa vẫn miệt mài trên những vườn hoa để cắt tỉa, ngắt nụ hoa với hi vọng hoa nở đúng dịp Tết. Ông Nguyễn Bá Tính, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu chia sẻ, đây chính là thời điểm quyết định vụ sự thành bại của vụ hoa Tết, vì vậy, gia đình dành hết thời gian để chăm sóc 1.300 chậu cúc. Nhiều hộ dân trong thôn đã phải thuê thêm lao động để tỉa cành, ngắt nụ cùng "chạy đua" với thời tiết, hi vọng hoa nở đúng dịp Tết.
Theo nhận định của nhiều hộ trồng hoa, năm nay do thời tiết mưa lũ kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho các vựa hoa tại các tỉnh Nam Trung bộ nên giá hoa tại Đà Nẵng sẽ tăng từ 20-30% so với năm ngoái. Từ nhiều ngày nay, các thương lái đã đổ dồn về các vùng hoa tại Đà Nẵng để đặt hàng nhưng do hoa chưa bung hết nụ nên nhiều thương lái vẫn e dè trong việc đặt hoa. Nếu những ngày tới mưa vẫn kéo dài thì nhiều người trồng sẽ gặp khó khi hoa không nở đúng dịp Tết Nguyên đán.