Thời điểm nay, vùng nuôi cá nước ngọt của Tổ hợp tác xã nuôi cá nước ngọt Suối Rao, xã Suối Rao, huyện Châu Đức người nuôi như đang “ngồi trên đống lửa” khi cá tại đây đã đến kỳ xuất bán, nhưng giá cá ngày càng giảm, thương lái thu mua “nhỏ giọt”, trong khi giá thức ăn và công lao động lại đang ngày càng tăng cao. Với thực trạng này người nuôi đang cầm chắc thua lỗ.
5 ao cá với tổng diện tích 2ha, nuôi các loại cá trắm, chép, mè, rô phi… của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức đang đến kỳ thu hoạch nhưng thay vì phấn khởi, ông Thắng lại bộn bề lo toan khi thương lái thu mua rất hạn chế.
Không chỉ vậy, giá cá thời điểm này cũng giảm hơn so với trước Tết. Cụ thể, giá cá trắm từ 50.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg; giá cá chép từ 60.000 đồng/kg nay giảm chỉ còn 37.000 - 40.000 đồng/kg; cá mè có giá từ 32.000 đồng nay giảm chỉ còn 27.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá thức ăn cho cá liên tục tăng từ 220.000 đồng/bao/25kg - năm 2020 lên 270.000 đồng/bao/25 kg - thời điểm hiện tại; bình quân một ngày ông Thắng đầu tư từ 60-65 triệu đồng chi phí cho thức ăn - tăng 20% so với những năm trước.
Cá đến kỳ xuất bán thì sức mua lại rất chậm, khiến cá phải tồn lại trong ao, chi phí thức ăn vì thế lại đang đội lên đáng kể. Tình hình này, trừ các khoản chi phí gia đình ông Thắng cầm chắc thu lỗ ở lứa cá này.
Ông Nguyễn Văn Thắng lo lắng, hiện tại giá cám đã tăng từ trước tết đến nay 30-40 nghìn một bao, mức tiêu thụ lại hạn chế, không bán được nên rất ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Cá nuôi không biết đến bao giờ được bán, giá thì thấp, tiêu thụ kém nên giờ gia đình ông Thắng chỉ dám cho ăn cầm chừng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn cho tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao với mức tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong giá bán tôm lại không tăng, thậm chí có thời điểm giảm mạnh.
Anh Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền đang đầu tư 15 ao nuôi tôm công nghệ cao với hơn 1,6 triệu con tôm. Anh Vương cho biết, trung bình 1 ngày anh sử dụng khoảng 850 kg thức ăn cho tôm, chi phí lên tới gần 30 triệu đồng. Giá thức ăn cho tôm nhích lên khiến chi phí đầu tư của anh đội lên, tuy không bị thua lỗ nhưng cũng khiến lợi nhuận của anh tụt giảm.
Anh Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền chia sẻ, nguồn thức ăn tăng cao nhưng gia đình vẫn phải cố gắng nuôi vì đã đầu tư số vốn quá lớn vào cơ sở vật chất của trang trại nuôi rồi nên giờ không thể bỏ không trang trại được, vì thế lợi nhuận thu về cũng không được đảm bảo.
Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh, các hộ nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí thức ăn liên tiếp tăng cao, giá bán giá đầu ra giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ. Do đó, trước khi thị trường bình ổn, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo các hộ nuôi cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm số lượng đầu con và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hình thành mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao... nhằm hạn chế phần nào rủi ro do dịch bệnh, nhằm tăng năng suất và giảm giá thành đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Thi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: Đứng trước tình trạng giá thức ăn ngày càng tăng cao, người nuôi nguy cơ thua lỗ là rất lớn, ở góc độ chuyên môn ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần bám sát khung lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Cụ thể là kiểm soát tốt môi trường nuôi, đồng thời quản lý tốt nguồn thức ăn để giảm tốt đa sự hao hụt thức ăn và đồng thời làm tốt việc phòng ngừa dịch bệnh.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh nuôi hơn 5.900 ha thủy sản; trong đó, có, 576 ha nuôi quảng canh, gần 4.900 ha nuôi quảng canh cải tiến, 134,5 ha nuôi bán thâm canh và 325,5 ha nuôi thâm canh. Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt hơn 4.950 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Với giá thức ăn thủy sản tăng mạnh như hiện nay, người nuôi sẽ khó có lợi nhuận nếu thủy sản bị rớt giá. Chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá thủy sản bán ra vẫn luôn là nỗi trăn trở của người dân.