Không chỉ phát huy thế mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây, lúa, rau màu..., các hợp tác xã nông - lâm nghiệp - thủy sản ở Tiền Giang đang tích cực tập hợp nông dân làm ăn tập thể kiểu mới gắn với mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đưa nông sản hàng hóa chiếm lĩnh thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định, nông dân an tâm phát triển sản xuất.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú, sắp tới, để tiếp tục phát huy vai trò các hợp tác xã nông - lâm nghiệp - thủy sản trong liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm thâm canh, góp phần đổi mới Tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân), địa phương đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể nói chung.
Theo đó, tỉnh chú trọng phối hợp cùng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các ngành hữu quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2021 cùng các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, tích cực quan tâm hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực hợp tác xã, vận động thành lập mới các hợp tác xã, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho nông sản chủ lực, ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất.
Đồng thời, tỉnh có chính sách ưu đãi về đất đai, nhân rộng những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả…nhằm giúp mạng lưới các hợp tác xã phát triển bền vững, đúng hướng, phát huy vai trò tích cực của mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Tiền Giang phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 5 hợp tác xã nông nghiệp để đến năm 2030 toàn tỉnh có 220 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu và lãi của mỗi hợp tác xã tăng bình quân 5%/ năm. Đến năm 2030, địa phương phấn đấu có 60% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh khá tốt, đồng thời xây dựng được ít nhất 50 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực địa phương.
Hiện nay, trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo, hàng năm, các hợp tác xã nông nghiệp liên kết xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại hai vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh là vùng dự án ngọt hóa Gò Công (phía Đông tỉnh) và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh trên diện tích lên đến trên 5.500 ha.
Không chỉ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định, cao hơn thị trường thời điểm từ 100 - 200 đồng/kg/lúa, các hợp tác xã còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến như: ba giảm ba tăng, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”…trong sản xuất lúa gạo nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế đồng thời bảo đảm đầu vào, đầu ra hạt lúa hàng hóa.
Nổi bật có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Green Vina (xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy), Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy), Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè), Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Trung (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè)…ở vùng kiểm soát lũ phía Tây.
Các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lợi An (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây)…ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, nhiều năm nay liên kết theo mô hình cánh đồng lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có uy tín và tiềm lực như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, Công ty Tân Thành, Công ty Vinh Hiển…
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang đánh giá, phong trào trồng rau an toàn được các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh khởi xướng đã thiết thực tạo nên cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh rau màu ở Tiền Giang, giúp thay đổi tập quán và tư duy canh tác, đưa nghề trồng rau màu phát triển lên một tầm cao mới, bền vững và hội nhập mạnh mẽ.
Các hợp tác xã rau an toàn hoạt động mạnh nhất tại các địa bàn huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công mà đi đầu có các Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (huyện Gò Công Đông)…
Các hợp tác xã rau an toàn đã quy tụ, tập hợp nông dân, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn đồng thời liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị và các chợ đầu mối tại Tp. Hồ Chí Minh…, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Hiện nay, bình quân mỗi hợp tác xã tiêu thụ từ 1 - 3 tấn rau an toàn/ ngày với khoảng 40 chủng loại rau cung ứng thị trường.
Đáng chú ý, các hợp tác xã chuyên canh cây ăn quả đặc sản trong tình mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP lên gần 1.000 ha gồm các chủng loại trái cây có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim…
Không chỉ liên kết doanh nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu, các hợp tác xã chuyên canh cây ăn quả tỉnh Tiền Giang còn quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là cung cấp sản phẩm cho các công ty, siêu thị, chợ đầu mối trong ngoài tỉnh với sản lượng hàng năm từ 3.500 tấn đến 4.000 tấn quả. Nhờ vậy, cũng giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ trái cây, nhất là trái cây xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hết sức bấp bênh hiện nay.
Đặc biệt, các hợp tác xã liên kết xuất khẩu trái cây đặc sản theo đường chính ngạch sang các nước. Đây là định hướng được các hợp tác xã chú trọng trong nỗ lực giải quyết đầu ra cho trái cây đặc sản Tiền Giang.
Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang các nước với sản lượng từ 1.000 tấn đến 1.500 tấn/ năm; Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè) đã liên kết với Công ty Hachando xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc đặc sản sang thị trường Nhật Bản và các nước khác trên thế giới với sản lượng mỗi năm hàng trăm tấn quả, Hợp tác xã Sơ ri Gò Công (huyện Gò Công Đông) ký hơp đồng với Công ty Nichirei Succo cung ứng mỗi năm từ 1.500 - 2.000 tấn sơ ri nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu…
Nhiều hợp tác xã tuy mới thành lập chưa lâu, nhưng nhờ xác định chiến lược trong liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản đã cho thấy hướng phát triển mang tính bền vững. Điển hình như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) mới thành lập chưa đầy một năm cũng đã liên kết với 200 nông hộ địa phương chuyên canh thanh long xuất khẩu trên diện tích 130 ha theo tiêu chí VietGAP.
Mặt khác, thông qua liên kết với các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, thanh long của Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới.