Về việc NHNN tăng tỷ giá, nới biên độ:

Người khấp khởi, kẻ kém vui

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1%; đồng thời nới biên độ lên 3% vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên với những doanh nghiệp phải nhập nguồn phụ liệu để sản xuất hoặc chuyên nhập khẩu hàng hóa thì lại kém vui vì chi phí đội lên.

Được khi xuất nhưng mất khi nhập

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 đạt 14,18 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm lên gần 91,77 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, tỷ giá tăng sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh. “Nếu không điều chỉnh, tiền đồng bị định giá cao với đồng USD và nhiều nước trong khu vực, về lâu dài thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải có một chính sách điều hành tỷ giá kịp thời”, ông Phương nói.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Tổng công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO).


Chia sẻ về hiệu ứng điều chỉnh tỷ giá với hàng dệt may xuất khẩu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam - Bà Đặng Phương Dung cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu sản xuất gia công để phục vụ xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá sẽ có lợi khi xuất khẩu. Mặc dù việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới giá nguyên liệu đầu vào nhưng hàng dệt may có đặc thù sau khi gia công, doanh nghiệp lại xuất khẩu và thu được ngoại tệ sau đó đổi lại thành tiền Việt Nam”.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, Hapro đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản như hạt tiêu, hạt điều, gạo, thủ công mỹ nghệ sang các thị trường truyền thống như: Nga, Belarus và các nước Trung Đông. “Việc tăng tỷ giá này sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi xuất hàng vì doanh nghiệp thu về tiền USD và thu mua hàng nông sản trong nước để chế biến, xuất khẩu lại mua bằng VND”, bà Hiền nói.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ giá cũng tác động không nhỏ tới doanh nghiệp nhập khẩu do chi phí bị đội thêm. Đại diện một doanh nghiệp nhựa ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, tính theo mức tỷ giá mới thì lô nguyên liệu nhựa trị giá khoảng 5 triệu USD chuẩn bị cập cảng phục vụ sản xuất sẽ đội thêm 500.000 USD.

Đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, đa số các doanh nghiệp đã có hợp đồng với mức giá được thỏa thuận từ đầu năm nên cơ bản đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào phản ảnh tác động của việc tăng tỷ giá. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên vật liệu như: bông để sản xuất sơ sợi vải, hóa chất để nhuộm màu thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đầu vào tăng.

Đồng tình quan điểm này, bà Hiền cũng cho rằng, tại các hệ thống siêu thị của Hapro đang phải nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng để bán tiêu thụ trong nước nên sẽ không có lợi về giá do chi phí đội lên. Vì vậy, Hapro cũng cố gắng tận dụng các nguồn hàng trong nước để giảm lượng hàng nhập khẩu.

Hướng tới giảm nhập siêu

Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại tháng 7/2015 tiếp tục trong tình trạng nhập siêu với trị giá ước 300 triệu USD, bằng 2,1% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 7 tháng năm 2015 nước ta nhập siêu gần 3,4 tỷ USD (bằng 3,7% kim ngạch xuất khẩu). Đây là thực trạng đáng lo ngại.

Vì vậy, “việc điều chỉnh tỷ giá trước mắt sẽ góp phần giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Phương nói. Trước tình hình này, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Để giảm nguồn nguyên liệu nhập khẩu đầu vào, các doanh nghiệp trong nước cần tăng tính liên kết tìm nguồn hàng trong nước để tránh phụ thuộc hàng nhập khẩu.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu do chi phí nhập khẩu tăng nên thời gian tới, lượng nhập khẩu có thể giảm xuống. Về xuất khẩu, Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Vì vậy, về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam.

Minh Phương
Tỷ giá tăng, bất động sản có dễ hút ngoại hối ?
Tỷ giá tăng, bất động sản có dễ hút ngoại hối ?

Việc NHNN công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được cho rằng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN