Người dân kỳ vọng vào dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Đây là chủ trương lớn được nhân dân tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm và đặt kỳ vọng tuyến cao tốc sẽ tạo sức bật cho kinh tế - xã hội tỉnh tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Theo báo cáo khả thi, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 117 km có điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa điểm cuối thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2023 đến 2026. Dự án được người dân tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.

Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, đặc thù sản xuất của công ty là xuất khẩu cà phê. Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác, công ty phải vẫn chuyển hàng hóa gần 400 km để đến Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hình thành và đưa vào sử dụng thì quãng đường sẽ rút ngắn còn 117 km để hàng hóa Đắk Lắk xuống các cảng biển ở Khánh Hòa xuất khẩu. Điều này sẽ cũng thúc đẩy nhà đầu tư đến với Đắk Lắk cũng như phát triển du lịch tại đây khi hạ tầng giao thông thuận lợi, tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Đồng quan điểm, chị Võ Thị Phượng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ, chủ trương này được người dân đặc biệt quan tâm. Tuyến cao tốc được hình thành sẽ giải "bài toán" giao thông kết nối giữa khu vực Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, làm tăng khả năng lưu thông hàng hóa, hành khách giữa hai vùng và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk phát triển. Người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn từ dự án này và ai cũng đồng tình, ủng hộ, hy vọng Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp lần này nhằm sớm triển khai dự án.

Theo ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, dự án hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển rất tích cực cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên; giúp thành phố Buôn Ma Thuột rút ngắn thời gian phát triển. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung mà đây cũng là bước đi góp phần cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên".

Ông Lê Công Du - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi nâng cao khả năng kết nối, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện theo các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để xác định ranh giới, phạm vi giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch các mỏ vật liệu, quy hoạch bãi thải nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu vật liệu cho tuyến đường cao tốc; đảm bảo việc triển khai dự án được thuận lợi và hoàn thành đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà và sự kỳ vọng của người dân.

Với quyết tâm chính trị thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, vừa qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng quyết định bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng của dự án tương ứng khoảng 916 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Tuấn Anh  (TTXVN)
Chuyện quản lý: Đường cao tốc nhưng vận hành theo đường cấp III miền núi
Chuyện quản lý: Đường cao tốc nhưng vận hành theo đường cấp III miền núi

Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của các phương tiện ô tô so với đi trên Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác (giữa tháng 4/2022) đến nay, nhiều tài xế lại bất ngờ bởi thường xuyên phải hạn chế tốc độ dưới 60km/giờ, nhiều đoạn đường trong rừng không có sóng điện thoại, có đoạn mái trượt taluy dương phía núi rất cao, đang thi công dở dang, nguy hiểm khi có mưa lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN