Tại Nghệ An, cùng với các nhóm đối tượng khác, nhóm đối tượng này đã được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, mọi quy trình được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đơn giản hóa phương thức tiếp cận nhanh, gọn nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) sản xuất sản phẩm trà túi lọc (cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam) và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thời gian gần đây, công ty tiếp tục phát triển thêm 10 ha, nâng tổng số diện tích vùng nguyên liệu lên hơn 22 ha, trong đó, liên kết với gần 150 hộ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số để trồng nguyên liệu. Theo công ty, mỗi ha trồng dược liệu cho thu nhập từ 210 đến 270 triệu đồng, cao gấp bốn, năm lần so với trồng mía. Hiện, doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư thiết bị máy móc, phát triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp như cao các loại dược liệu (cao cà gai leo) để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong sử dụng.
Trước đây, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất 5.000 hộp và 1.000 lọ sản phẩm cao cà gai leo. Dây thìa canh, 3 tháng trở lại đây dây chuyền sản xuất của công ty phải tạm ngừng hoạt động, hàng tồn dư trong kho khoảng 40%, doanh thu giảm 50%. Cùng với đó, công ty buộc phải cắt giảm số công nhân làm việc xuống còn một nửa.
Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát Phan Xuân Diện cho biết, công ty là một trong 7 doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Nghệ An vừa được giải ngân vốn vay ưu đãi. Theo ông Diện, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến cho việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, trong khi việc trồng, chế biến và thu mua nguyên liệu cho người dân, công ty vẫn phải tiếp tục duy trì. Nguồn thu duy nhất của đơn vị là từ tiêu thụ sản phẩm, nay bị ngưng trệ khiến cho việc trả lương cho người lao động gặp khó.
“Gói vay ưu đãi để trả lương cho lao động, lãi suất cho vay 0%, và không cần tài sản bảo đảm của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều trong việc trả lương ngừng việc cho 8 lao động trong vòng 3 tháng. Hiện nay, công nhân đã đi làm trở lại bình thường. Không chỉ giúp doanh nghiệp trả lương cho công nhân mà gói hỗ trợ này còn giải quyết khó khăn ban đầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ này giải quyết chi trả lương cho công nhân kéo dài 6 tháng và thời gian vay là 24 tháng để doanh nghiệp có thêm thời gian tái đầu tư, sản xuất lại”, ông Phan Xuân Diện kiến nghị.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Trọng Phúc (huyện Diễn Châu) hiện có hàng trăm lao động. Do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp khó khăn, đời sống của người lao động lao đao. Loay hoay chưa có giải pháp, doanh nghiệp được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg. Nguồn vốn cho vay từ chính sách không chỉ hỗ trợ kịp thời cho người lao động mà còn giải quyết khó khăn kinh tế, thậm chí như chiếc "phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp.
Qua thống kê, rà soát, địa bàn tỉnh Nghệ An có 5.518 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong đó, chỉ có 22 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với số tiền 4,3 tỷ đồng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh cho 1.089 lượt lao động.
Đến ngày 23/8/2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục giải ngân cho 7 doanh nghiệp vay, tổng số tiền được phê duyệt và giải ngân cho vay trên 1,2 tỷ đồng/518 lượt lao động được hỗ trợ. Trong đó, 3 doanh nghiệp vay vốn trên 980 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 406 lượt người lao động (193 người lao động được thụ hưởng); 4 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được vay vốn gần 261 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 112 lượt lao động.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An, ngay sau khi có chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người sử dụng lao động. Đồng thời, đơn vị nhanh chóng xử lý hồ sơ, xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc làm căn cứ để thực hiện cho vay.
Tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện khác phản ánh gặp khó khăn do không cung cấp được "Thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020" theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 40 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại tiết b, khoản 2, Điều 38 Quyết định số 23/QĐ-TTg.
Mặt khác, địa bàn tỉnh Nghệ An hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên số lao động ít. Như ở huyện Con Cuông, qua khảo sát có đến 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chỉ một doanh nghiệp được nhận hỗ trợ. Nguyên do, nhiều doanh nghiệp chỉ có 1-2 lao động, trong đó có một lao động là chủ doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng được vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Với chính sách mới này, doanh nghiệp dễ dàng tiếp nhận và Ngân hàng cũng tạo điều kiện trong thời gian nhanh nhất để giải quyết. Điều đáng nói hiện nay nhiều doanh nghiệp số người lao động được đóng bảo hiểm quá ít, số tiền vay/lao động chưa nhiều nên nhu cầu vay của doanh nghiệp chưa mặn mà”, ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Con Cuông cho biết.
Trước những khó khăn trên, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp đang có khó khăn vướng mắc về thủ tục nêu trên. Cùng với đó, Chi nhánh đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các thủ tục vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh cho người lao động theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg.
“Rất mong các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giám sát, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động, để việc giải ngân vốn vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, được kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực”, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An đề nghị.