Nghị định quản lý vàng trước “giờ G”: Vẫn ngóng Thông tư

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực (ngày 25/5). Nếu “chiếu” theo nội dung của Nghị định, hầu hết các công ty, hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ sẽ phải “dẹp tiệm”. Trong lúc này, một số công ty kinh doanh vàng thuộc ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn cũng đang lên các phương án kế hoạch kinh doanh nhưng vẫn “ngóng” Thông tư để cụ thể hóa kinh doanh.

 

Tranh thủ mua, bán vàng


Trong khi chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP sắp có hiệu lực, nhiều người dân đã tranh thủ mua bán vàng miếng khi giá vàng trong nước tuần qua đã giảm mạnh. Hôm qua, giá vàng SJC đã xuống dưới 41 triệu đồng/lượng.


Đáng nói, sau nhiều tháng lặng sóng, từ đầu tháng 5 đến nay thị trường vàng đã trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường rất khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư lớn có xu hướng bán vàng, còn một số doanh nghiệp, tổ chức, người dân... lại mua vào.


Nhu cầu mua vàng của người dân rất lớn. Ảnh: Lê Phú

 

Theo anh Ngọc Dũng, cửa hàng vàng tại Trung tâm mua bán vàng bạc đá quý chợ Bến Thành, quận 1 (TP Hồ Chí Minh): Thứ nhất, giá vàng giảm mạnh là cơ hội tốt cho những ai có ý định trữ vàng làm tài sản. Thứ 2, do sắp tới đây Nghị định quản lý vàng sẽ được thực hiện, việc mua bán vàng sẽ không còn dễ dàng như trước. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ mua vàng trước khi Nghị định có hiệu lực.


Không chỉ người dân tranh thủ, mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh vàng cũng “chạy đua” mua vàng. Chị Thanh Hà, chủ cửa hàng vàng tại đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM cho biết: “Giá vàng đang rẻ, chúng tôi phải mua vào số lượng lớn để trữ làm nguyên liệu sản xuất nữ trang. Nếu không, đợi đến khi Nghị định có hiệu lực chắc chắn sẽ khó mua vàng hơn bây giờ”.


Trước tâm lý mua, bán vàng chủ yếu thương hiệu SJC, các thương hiệu vàng khác lại không tỏ ra quá lo lắng. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty PNJ cho biết, từ nay đến khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty PNJ vẫn thu vàng miếng PNJ- DAB, đồng thời sẽ hoán đổi sang vàng miếng SJC nếu khách hàng có nhu cầu.


Tuy nhiên, trước những quy định của Nghị định 24, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Vina cho rằng, với thói quen và tâm lý hiện nay, người dân chắc chắn sẽ không mặn mà tới các ngân hàng để mua vàng. Đồng quan điểm, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng phân tích: Với lãi suất tiền đồng hiện là 12%, nếu gửi tiết kiệm đến cuối năm, bù qua lạm phát vẫn không thể bằng giữ vàng nếu giá vàng có xu hướng tăng. Vì thế, thay vì bán vàng miếng, các điểm kinh doanh vàng sẽ tìm loại vàng khác có giá trị thanh khoản cao để bán cho người dân, chẳng hạn như mua nhẫn vàng.

 

Chờ ban hành Thông tư hướng dẫn


Giá vàng rời mốc 41 triệu đồng/lượng

Ngày 16/5, giá vàng trong nước đã đồng loạt giảm xuống dưới 41 triệu đồng/lượng do giá thế giới tiếp tục giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2011. Theo đó, vào 14 giờ 30 chiều 16/5, vàng SJC Hà Nội đã giảm khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với ngày 15/5, giao dịch ở mức 40,70 - 40,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tương tự, các thương hiệu vàng SJC khác cũng đồng loạt giảm mạnh. Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín - Minh Châu có mức giá giao dịch thấp nhất là 40,35 - 40,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC ở Hà Nội mua vào với giá 40,86 triệu đồng/lượng và bán ra là 41 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại Bảo Tín - Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long mua vào là 40,05 triệu đồng/lượng và bán ra là 40,35 triệu đồng/lượng; vàng SJC mua vào - bán ra là 40,86- 41 triệu đồng/lượng.

Một cán bộ thuộc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (thương hiệu vàng miếng SBJ) cho biết: Theo Nghị định, điều kiện công ty được cấp phép kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh mua bán từ 2 năm trở lên, số thuế từ hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp và có mạng lưới chi nhánh từ 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trở lên. “Với điều kiện này, Sacombank hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh của Nghị định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể”, cán bộ của Sacombank nói.


Không chỉ có Sacombank mà một số công ty đáp ứng đủ điều kiện mua bán vàng miếng đang quan tâm và chờ đợi Thông tư hướng dẫn Nghị định 24. Thông tư này sẽ làm rõ các vấn đề như giá vàng, hạn mức, cách thức mua bán, biên độ giá mua, giá bán, từ đó tính toán mức lợi nhuận có đủ bù đắp chi phí, rủi ro, có đem lại hiệu quả hay không... Theo Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty đã có một số phương án, kế hoạch, tuy nhiên phải chờ Thông tư hướng dẫn thì mới cụ thể hóa.


Theo tính toán của các chuyên gia, với các quy định trong Nghị định 24, 12.000 doanh nghiệp, cơ sở đang kinh doanh vàng miếng sẽ khó có thể vượt qua, đặc biệt là “rào cản” 100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tham khảo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng tại phố Trần Nhân Tông hay “chợ ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội), hầu hết công ty chỉ có vốn điều lệ 1 - 2 tỷ đồng, một số công ty quy mô lớn hơn thì vốn điều lệ xấp xỉ 10 tỷ đồng. Rào cản tiếp theo khó vượt qua nằm ở điều kiện về thuế: Trong 2 năm liên tiếp, công ty phải nộp thuế từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Để “được” nộp thuế 500 triệu đồng/năm, các công ty phải có lợi nhuận tối thiểu là 2 tỷ đồng. Điều này các công ty có quy mô vốn điều lệ 1- 2 tỷ đồng khó đáp ứng được.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam Nguyễn Thanh Trúc nói: “Hiện nay, chúng tôi đã đóng góp xong ý kiến cho Thông tư. Nội dung chủ yếu hướng dẫn các thủ tục để thực hiện Nghị định 55 vì phần lớn nội dung đã quy định như trong Nghị định”. Đề cập tới vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, cuối tuần này NHNN sẽ họp bàn về xây dựng nội dung Thông tư.


Minh Phương- Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN