Đây là đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Hội nghị phổ biến Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 1/11.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Nghị định 107 cũng tạo thuận lợi khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ( Cần Thơ) cho biết, các doanh nghiệp rất phấn khởi về những điểm mới của Nghị định này. Đây là bước tiến mới về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành theo hướng mở, minh bạch. Từ đó, các doanh nghiệp tận dụng những quy định mới để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh trong thời gian tới như xây dựng tập trung vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng gạo, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm trong gạo.
Theo ông Phạm Thái Bình, các doanh nghiêp cũng chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến, nhắc nhở văn hóa kinh doanh các doanh nghiệp xuất khẩu không hạ giá thấp khi tham gia các phiên đấu thầu gạo ở nước ngoài... Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp còn phàn nàn về chế độ báo cáo quý, tháng gây phiền hà, ông Bình cho rằng thủ tục này có lợi cho thông tin xuất nhập khẩu gạo phục vụ cho các doanh nghiệp.
Nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập về kinh doanh xuất khẩu gạo trong những năm qua, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 107/2018/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018, là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn và tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp ngành gạo phát triển, tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu.
Về những điểm mới của Nghị định 107, đại diện Bộ Công Thương cho biết, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa. Theo đó, không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc, gạo, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ xuống 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, thay vì 10% như hiện nay…
Bên cạnh đó, Nghị định 107 bổ sung một số quy định trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo; điều chỉnh bổ sung quy định cụ thể chế độ báo cáo của thương nhân, các bộ ngành và cơ quan Hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành xuất khẩu chung…