Ông Phạm Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã nuôi nghêu, sò Tiến Thành, xã Long Hòa cho biết, đây là lần đầu tiên nghêu nuôi trên bãi biển Long Hòa bị chết hàng loạt. Trong 13 năm kể từ khi thành lập hợp tác xã, nghề nuôi nghêu đều đem lại lợi nhuận cho xã viên, bình quân mỗi năm "1 đồng vốn, 1 đồng lời". Thành công trong nghề nuôi nghêu nhờ yếu tố thuận lợi về môi trường bãi nuôi và nước biển luôn ổn định.
Thế nhưng, vào những tháng đầu năm của vụ năm nay, nguồn nước biển không còn độ trong sạch, nước trộn lẫn nhiều bùn và tạp chất cặn bã khiến nghêu chết hàng loạt.
Tính đến nay, tại diện tích 300 ha nuôi nghêu của Hợp tác xã Tiến Thành và Tổ hợp nuôi nghêu ấp Hai thủ, số lượng nghêu chết lên đến hơn 300 tấn thương phẩm tới thời điểm thu hoạch. Nếu tính giá nghêu đã được ký kết hợp đồng bán cho thương lái 24.000 đồng/kg thì ước tính mức thiệt hại của hợp tác xã và tổ hợp tác ở vụ nghêu này là trên 7 tỷ đồng.
Môi trường nước bị ô nhiễm là do tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực sông Cổ Chiên gần khu vực bãi nghêu diễn ra “rầm rộ”. Lòng sông bị đào bới, hút cát gây xáo trộn môi trường; dòng nước mang theo lượng bùn độc hại, chất cặn bã, độ pH thay đổi, xâm nhập vào bãi nghêu làm cho nghêu nuôi nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt.
Kết quả mẫu bệnh phẩm nghêu được Chi cục Thú y Vùng VII phân tích cho thấy, nghêu bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus spp (ký sinh trùng gây dịch bệnh và chết nhiều trên nhuyễn thể) với tỷ lệ và cường độ nhiễm cao (tỷ lệ 90%, cường độ cảm nhiễm là 49,1 bào tử/gram thịt). Đồng thời, phát hiện thêm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (vi khuẩn gây bệnh gan tụy trên động vật thủy sản) trong mẫu nghêu thịt và nhóm Vibrio spp (nhóm vi khuẩn có hại gây nhiều bệnh nguy hiểm trên động vật thuỷ sản) trong mẫu nước vùng nuôi nghêu. Đây là nguyên nhân để khẳng định rằng, nghêu chết có một phần tác nhân do “cát tặc”.
Ông Nguyễn Thanh Thưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, nạn khai thác cát sông trái phép trên địa bàn xã đang diễn ra ngày càng phức tạp, nhưng địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Các đối tượng bơm hút cát trái phép hoạt động ngày tinh vi và có quy mô hơn.
Các đối tượng “cát tặc” chủ yếu hoạt động vào đêm khuya, ngày nghỉ, sử dụng máy hút cát giảm tiếng động cơ và tổ chức thành nhóm, phân công canh gát lực lượng chức năng tuần kiểm soát. Chính vì vậy, lực lượng của xã và cả lực lượng chức năng của huyện Châu Thành rất khó ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ông Lư Phước Hiệp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, việc khai thác cát trái phép đem lại hậu quả nặng nề về nguồn tài nguyên, môi trường nước, sạt lở gây hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trước tình hình nạn “cát tặc” hoạt động ngày càng táo tợn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Tổ công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, do Phó Giám đốc Công an tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác được trang bị đảm bảo về phương tiện, nhân lực để tuần tra, kiểm soát, truy đuổi để bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép.
Cùng với đó, Tổ công tác phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhằm tăng cường sự kiểm soát, phát hiện tố giác kịp thời.
UBND tỉnh Trà Vinh còn chỉ đạo kiên quyết xử nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép để ổn định an ninh trật tự xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ cuộc sống cho người dân.