Nghêu chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại 200 tỉ đồng

* Hơn một tháng nay, nghêu nuôi ở vùng ven biển Gò Công thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) xảy ra hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi nghêu.

Nông dân đang cào nghêu ở bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Ảnh: nguoilambaotiengiang.vn


Theo thống kê, đã có gần 1.200 ha nghêu bị chết, tập trung chủ yếu ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) với tổng sản lượng nghêu chết hơn 14.000 tấn, ước thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi nghêu bị thiệt trên 50%, thậm chí có hộ bị mất trắng. Các hộ nuôi nghêu cho biết, khác với những năm trước, vụ năm nay, nghêu chết hàng loạt xảy ra ở khắp các sân nghêu.

Trong khi qua quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản Tiền Giang tại vùng nuôi nghêu ven biển Tân Thành thì các yếu tố nhiệt độ, độ mặn… đều nằm trong giới hạn phát triển bình thường của nghêu nuôi, nên yếu tố ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng nghêu chết. Tuy nhiên, đây chỉ mới là nhận định ban đầu của người nuôi nghêu.

Để tìm ra nguyên nhân nghêu chết, ngành Nông nghiệp Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Thú y vùng 4 tiến hành khảo sát, lấy mẫu nghêu chết kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh của nghêu nuôi.

* Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cá bống tượng tại tỉnh Cà Mau giảm mạnh, khiến hàng ngàn hộ nuôi cá bị thất thu hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quy, ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình đã cải tạo 6 ao nuôi cá bống tượng, mỗi ao có diện tích 200-300 m2. Vụ nuôi này, ông Quy thả 1.000 con cá bống tượng. Mặc dù cá bống tượng đạt trọng lượng từ 0,5kg trở lên nhưng gia đình ông vẫn không thu hoạch cá, mà để chờ tăng giá.

Ông Quy than thở: Năm ngoái, giá cá bống tượng (trọng lượng từ 0,5-1kg/con) có giá bán 405.000đ/kg, nay giảm chỉ còn 200.000-220.000đ/kg. Với mức giá này người nuôi cá không có lãi nhiều, vì giá thuê mướn nhân công, thức ăn và thuốc điều trị bệnh cho cá…đều tăng cao.

Vụ nuôi năm 2011- 2012, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi cá bống tượng. Do vậy, năm 2013, hàng ngàn hộ nông dân ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi và thành phố Cà Mau đã ồ ạt cải tạo mở rộng diện tích nuôi cá bống tượng; có hộ nuôi với quy mô lớn trên 3.000 m2 nên phải vay vốn Ngân hàng để đầu tư. Nếu cá bán được giá thì những hộ nuôi quy mô lớn thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/vụ nuôi.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi cá bống tượng ở Cà Mau cho biết: Giá cá bống tượng sụt giảm mạnh do cung vượt cầu và bị thương lái ép giá. Mặt khác, cá bống tượng chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, khi thương lái thu mua với giá thấp hoặc không thu mua thì người nuôi cá bống tượng sẽ gặp khó khăn lớn về đầu ra.

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi cá bống tượng, cá chình trên 1.500 ha; trong đó hàng ngàn hộ dân nuôi cá bống tượng theo hình thức tự phát, nhiều hộ chưa am hiểu quy trình, kỹ thuật nuôi nên dễ gặp rủi ro trong sản xuất.

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo: Nông dân không nên mở rộng quy mô nuôi cá bống tượng, cá chình vì nếu mở rộng diện tích nuôi lớn phải đầu tư nguồn vốn lớn, khi gặp rủi ro hoặc đầu ra thiếu ổn định, nông dân sẽ bị thiệt hại lớn, nợ nần chồng chất.

Về lâu dài, chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng nuôi, diện tích nuôi cá bống tượng, cá chình hợp lý; đặc biệt là thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để được hỗ trợ tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cá bống tượng, cá chình của nông dân Cà Mau.


Công Trí, Kim Há
Nghêu chết hàng loạt ở Đà Nẵng

Trong thời gian gần đây tại khu vực vịnh Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đã xảy ra tình trạng nghêu nuôi của bà con ngư dân chết hàng loạt gây thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về nguyên nhân của tình trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN