Nghệ An phấn đấu đưa Nghi Lộc phát triển năng động, toàn diện

Chiều 27/4, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Lộc tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển Nghi Lộc đến năm 2025, tính đến năm 2030”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự buổi tọa đàm.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi toạ đàm. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Định hướng phát triển huyện đến năm 2025, tính đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng mà huyện Nghi Lộc đang tập trung thực hiện. Theo đó, định hướng phải đảm bảo sát thực tế, có tầm nhìn, tạo đà để phát triển liên tục, xứng đáng với kỳ vọng của người dân.

So với các huyện khác thì Nghi Lộc có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, do đó mục tiêu mà Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đề ra là phấn đấu đưa Nghi Lộc thành địa phương phát triển năng động, toàn diện.

Tuy nhiên, kết quả về kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chất lượng tăng trưởng chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, chất lượng đời sống một bộ phận nhân dân thấp, thu ngân sách hạn chế…

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An, bày tỏ sự ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của huyện Nghi Lộc, một địa phương nằm sát thành phố Vinh, với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 50 triệu đồng, cao hơn bình quân của tỉnh.

Tuy vậy, theo Giáo sư, chỉ tiêu này so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thì chưa đạt, do đó Nghi Lộc cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo Giáo sư Trần Đình Thiên, cần nhận diện lại đặc điểm phát triển của huyện Nghi Lộc. từ đó định vị lại hướng phát triển.

Sự điều chỉnh về địa giới hành chính,  việc sáp nhập một số xã vào thành phố Vinh vừa là lợi thế và cũng là thách thức trong cạnh tranh phát triển với các địa phương khác của tỉnh, việc này sẽ dẫn đến Nghi Lộc bị mất đi một nguồn lực.

“Huyện Nghi Lộc cũng như tỉnh Nghệ An đang có xu hướng nâng cấp chứ chưa thay đổi đẳng cấp, do đó cần phải thay đổi tư duy. Do vậy, huyện Nghi Lộc cần phải đẩy mạnh thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; bám sát định hướng phát triển của thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Thay vì cơ chế xin - cho, huyện Nghi Lộc cần phải có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Song song đó, chính quyền huyện cần phải chủ động, sáng tạo trong công việc để tạo ra bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho biết.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Nghi Lộc cần phải kết nối lợi thế bởi Nghi Lộc có nhiều lợi thế hội tụ về vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ, yếu tố con người và yếu tố truyền thống. Nhưng Nghi Lộc là huyện nghèo quá lâu nên thiếu tự tin, dễ xoá đói nhưng khó làm giàu. Con em Nghi Lộc học giỏi, nhưng học chỉ lấy bằng chứ không phải học để làm giàu. Do đó, Nghi Lộc cần thay đổi về nhận thức, đồng thời chính quyền ba cấp phải quyết tâm xoá nghèo; phải có giải pháp đột phá: làm nông nghiệp sạch; phát triển dịch vụ thương mại và phát triển du lịch.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thẳng thắn chỉ rõ: Những việc gì huyện Nghi Lộc chủ động làm được và thuộc trách nhiệm của huyện thì phải giải quyết nhanh chóng. Đó là những vấn đề về giải phóng mặt bằng, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp của địa phương theo hướng “Mỗi làng một sản phẩm”; phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch canh nông, dần hình thành mô hình điểm. Để làm được việc này, cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp, có thể thực hiện theo hình thức (người nông dân góp vốn bằng quỹ đất, doanh nghiệp đầu tư để tạo ra chuỗi giá trị).

Tại buổi tọa đàm nhiều chuyên gia, các đại biểu đưa ra ý kiến cho rằng chuẩn bị cho việc sát nhập bảy xã thuộc huyện Nghi Lộc về thị xã Cửa Lò và đặc biệt sau khi thực hiện sát nhập tiếp 10 xã vào thành phố Vinh thì tỉnh Nghệ An và Trung ương cần có cơ chế đặc thù, quan tâm ưu tiên hỗ trợ Nghi Lộc trong việc quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các hạ tầng kinh tế kỹ thuật về vùng Tây Nghi Lộc.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần có cơ chế đặc thù cho huyện Nghi Lộc trong năm năm tới, nhất là những xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đất; đồng thời quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường sau thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh tới ba vấn đề trong định hướng phát triển huyện Nghi Lộc: “Nghi Lộc cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn thực phẩm sạch cho thị trường tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn; chú trọng công tác bảo vệ rừng và quy hoạch khu cụm công nghiệp để chế biến sâu các sản phẩm làm ra tại vùng này”.

Ghi nhận mục đích tổ chức buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ: Các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, doanh nghiệp là nhằm để huyện Nghi Lộc hoàn thiện văn kiện Nghị quyết 28 Đảng bộ huyện.

Quy hoạch tính đến năm 2030 của huyện Nghi Lộc sẽ giúp tỉnh Nghệ An nhìn nhận rõ hơn thế mạnh và điểm yếu của từng địa phương, qua đó rà soát để chuẩn bị cho các dự án lớn, trong đó có dự án tư nhân và đầu tư công; đồng thời rà soát để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của huyện.

Đánh giá cao những tiềm năng của Nghi Lộc là huyện ven biển nên Nghi Lộc có lợi thế về kinh tế biển và du lịch biển, có lợi thế về giao thông, hạ tầng về khu công nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng lư ý, những lợi thế này cần được nghiên cứu kỹ để đưa vào định hướng phát triển của huyện đến năm 2030.

Chỉ đạo định hướng phát triển huyện Nghi Lộc trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Khi tiến hành sáp nhập các xã vào thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh, huyện cần phải có rà soát lại quy hoạch. Việc chia các tiểu vùng cần phải nghiên cứu kỹ trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức.

Riêng về tiểu vùng miền Tây Nghi Lộc thì ngoài phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì cần nghiên cứu phát triển các cụm công nghiệp thu hút được nguồn lao động; đồng thời cần dành quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp bởi có những doanh nghiệp sẽ không vào khu kinh tế để đầu tư mà về đầu tư tại cơ sở.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong điều chỉnh quy hoạch, huyện Nghi Lộc cần chú trọng quy hoạch phía ngoài thị trấn Quán Hành là các khu công nghiệp, khu kinh tế, còn phía trong thị trấn Quán Hành là phát triển du lịch.

Trong thu hút đầu tư, huyện nên có danh mục các dự án, các chương trình theo từng lĩnh vực, theo từng năm cụ thể, đề xuất cụ thể để từng bước triển khai thực hiện, phấn đấu đưa huyện Nghi Lộc phát triển năng động, toàn diện.

Thay mặt lãnh đạo huyện Nghi Lộc, Bí thư Huyện ủy Phạm Hồng Quang trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dành cho huyện nhà, giúp huyện Nghi Lộc định hình được hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới một cách rõ nét, bài bản hơn.

Bích Huệ (TTXVN)
Tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác phát triển
Tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác phát triển

Sáng 13/4, tại thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội nghị Tổng kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 – 2019 và ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019 – 2025 giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN