Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, về mặt lý thuyết, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành nghề; trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, thị trường các nước châu Âu ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại, các hoạt động chủ yếu trong nội khối.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt gần 55% và 19%...
Ông Trịnh Khôi Nguyên cho biết thêm, để vào được thị trường châu Âu, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam ở thời điểm hiện tại muốn đáp ứng được tiêu chuẩn đó phải thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh.
“Do vậy, chúng tôi cho rằng, thị trường châu Âu là một thị trường mà mức độ tăng trưởng tiêu thụ không lớn, như những thị trường mới nổi Trung Quốc hay các quốc gia đang phát triển khác. Mặc dù có cơ hội nhưng nhu cầu của thị trường không đủ lớn để có thể hấp thụ được lượng hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, để tham gia vào thị trường EU, chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia rất mạnh trong ngành thép như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...”, ông Nguyên nói.
Theo ông Đoàn Danh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Thép Toàn Thắng, khó khăn hiện nay khi tiếp cận thị trường EU là các tiêu chuẩn về chất lượng rất khắt khe. Vì thế doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ kỹ thuật mới đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rất cao và doanh nghiệp phải rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ mới làm ăn được.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là việc mở rộng thị trường sang EU, công ty duy trì áp dụng các phần mềm, kiểm soát sản xuất; quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015.
Đồng thời, công ty sẽ triển khai sâu rộng việc thống kê đánh giá ở ba chỉ tiêu chính gồm: năng suất lao động, định mức tiêu hao và chất lượng sản phẩm; trong đó, việc kiểm soát tiêu hao nguyên vật liệu, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng là mục tiêu quan trọng nhất.
Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, một số chuyên gia ngành thép cho rằng, giải pháp quan trọng là tăng cường nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh, dịch bệnh từ đầu năm tới nay tại các nước châu Âu cũng khiến cho khu vực này bị đình trệ, thị trường xuất khẩu hẹp lại. Xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng khiến cho việc mở rộng thị trường cũng rất khó khăn.
Bản thân doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này, ngoài đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ thì cũng cần quan tâm hơn đến quy định của phòng vệ thương mại trong từng FTA để chuẩn bị, tiếp nhận các vụ khởi kiện, quy trình như thế nào, trách nhiệm, nghĩa vụ của bên điều tra, phải làm gì? Doanh nghiệp phải biết thì mới giảm thiểu được thiệt hại không đáng có, ông Sưa cho hay.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào tăng cường phổ biến về Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại các bộ, ngành và địa phương… Đồng thời, rà soát pháp luật, thể chế trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA...