Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022. Lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỷ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao. Sự liên kết giữa doanh nghiệp của các thành phần kinh tế lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng. Doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Lý giải việc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, về vấn đề tiếp cận vốn cập nhật tín dụng đến 21/9 là tăng 5,33%, nhưng đến hết tháng 9 thì tăng khoảng 6,9%. Hiện nay với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như các bộ, ngành xúc tiến thương mại, tăng khả năng xuất khẩu tháo gỡ những vấn đề pháp lý của các dự án… thì từ nay đến cuối năm tín dụng có khả năng tăng lên.
Về vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là một việc rất khó cần có thời gian. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, NHNN, các bộ, ngành cũng đã trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền và hiện nay đang rất tích cực. Tuy nhiên xử lý ngân hàng yếu kém này trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ chúng ta đối phó với dịch bệnh COVID-19 lại càng khó trong khi kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều bất lợi.
Đề cập đến việc kiểm soát lạm phát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trước bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm có những bất cập. Việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN phải theo tinh thần bám sát những yêu cầu của Quốc hội và cục diện tổng thể của nền kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, phải đảm bảo ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những tháng cuối năm 2022, thế giới tăng lãi suất rất cao nhưng xét thấy trong nước chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội, nên những tháng đầu năm 2023 NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành và không điều chỉnh tăng như các nước. Tuy nhiên, khi sự kiện của Ngân hàng SCB người dân rút tiền hàng loạt xảy ra, lúc đó NHNN phải tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ. Thời điểm đó các tổ chức tín dụng cũng căng thẳng về thanh khoản, một số tổ chức tín dụng còn bị thiếu dự trữ bắt buộc và nguy cơ mất khả năng chi trả là hiện hữu.
Cũng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tại thời điểm đó, NHNN chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng bởi các ngân hàng phải tập trung để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân do tác động bởi tâm lý. Để ổn định tỷ giá, NHNN đã đưa ra một số giải pháp, đó là: Can thiệp ngoại tệ, điều chỉnh tăng lãi suất, làm hạn chế thanh khoản. Ngoài 3 giải pháp này, NHNN còn tăng lãi suất 2 lần (vào tháng 9, tháng 10/2022); chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Từ đó tỷ giá ổn định trở lại nên cả năm 2022 tăng 3,5%.