Ngành mía đường mắc kẹt vì tạm nhập tái xuất

Ngành mía đường đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi đường ngoại nhập. Số lượng tồn kho lên tới trên 200.000 tấn, trong khi niên vụ mới đã bắt đầu được hơn 2 tháng.

Tồn kho lớn

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ sản xuất 2018/2019 đã vào vụ hơn 2 tháng, nhưng lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân một phần do những tháng cuối năm 2017, tiêu thụ đường khá chậm vì các đối tác ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu đường khu vực ASEAN xuống 0%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Trần Thanh Nam cho biết, hiện giá đường trong nước sụt giảm còn khoảng 12.800 đồng/kg. Tồn kho tại các nhà máy còn khoảng trên 200.000 tấn.

Ngành mía đường mắc kẹt vì tạm nhập tái xuất. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm - TTXVN

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành vẫn khó bán. Tuy vậy, các nhà máy vẫn duy trì giá thu mua mía cho nông dân, các địa phương không cho hạ giá thu mua. Đã có nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.

Trên thực tế, các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường nội địa còn chịu sự cạnh tranh của đường tạm nhập tái xuất. Hiện nay, trong nước còn khoảng 40.000 tấn đường tạm nhập, nhưng chưa được các DN kinh doanh tái xuất.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nếu Chính phủ chấp nhận việc gia hạn thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đến hết năm 2019, ngành mía đường trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn.  

Theo ông Doanh, các DN tạm nhập tái xuất lấy lý do giá đường trong nước cao khoảng 16.000 - 17.00 đồng/kg, kinh doanh không lãi bằng việc đi nhập đường nước ngoài với giá 13.000 - 14.000 đồng/kg, xuất đi khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện  nay giá đường trong nước đã xuống thấp ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg, song các DN vẫn không mặn mà, mà mải miết kinh doanh đường tạm nhập tái xuất. Rõ ràng, việc tạm nhập tái xuất không đem lại lợi ích gì cho quốc gia, mà chỉ là câu chuyện lợi ích nhóm.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2016 Việt Nam hầu như không xuất được tấn đường nào. Năm 2017, một số cửa khẩu phụ của Trung Quốc biên giới với Lào Cai gồm: Mường Khương, Bản Vược, Na Lốc, Lũng Pô và Bản Quẩn đã mở cửa trở lại cho sản phẩm đường đi qua, nhưng các DN chỉ xuất tiểu ngạch được 2.500 tấn đường.

Giải cứu ngành mía đường trong nước

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tình trạng trên đã được cải thiện, một số nhà máy đường đã xuất khẩu được sang Trung Quốc. Với  giá đường 12.800 đồng/kg, thì các DN không cần phải tạm nhập tái xuất, mà có thể mua trong nước để xuất khẩu.

Lượng đường tồn kho lớn: Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không gia hạn cho các giấy phép tạm nhập tái xuất đã hết hạn. Hoạt động xuất khẩu đường tại các cửa khẩu phụ ở Lào Cai nên ưu tiên cho các DN sản xuất đường trong nước.

Bên cạnh đó, đối với lượng đường đã tạm nhập về mà đến nay chưa tái xuất được, đề nghị thực hiện đúng Khoản 4, Điều 11, Chương 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Điều đó có nghĩa là, lượng hàng này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Công Thương chỉ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra đánh giá việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường đã được cấp phép đến hết 31/12/2017.

Liên quan tới vấn đề thực thi cam kết ATIGA, thời gian qua, xét đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản trình lên Chính phủ, kiến nghị lùi thời gian thực hiện ATIGA đối với mặt hàng đường đến năm 2020.  
 
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh việc mua đường trong nước để xuất khẩu sang Trung Quốc thay vì tạm nhập tái xuất. Giải quyết tồn kho đã tạm nhập về và không nên nhập thêm, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mua đường trong nước để xuất khẩu.

Về giải pháp lâu dài của ngành mía đường, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần có giải pháp để hạ giá thành như: Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất, áp dụng các giống mới vào trồng trọt, đảm bảo trữ lượng đường; cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công, đưa máy vào cắt mía thay vì thuê nhân công. Hiện chỉ có 9/41 nhà máy có công nghệ sản xuất 5.000 tấn mía/ ngày, còn những nhà máy khác công suất nhỏ hơn thì chi phí lớn hơn.
 
H.V/Báo Tin Tức
Áp lực tồn kho đường
Áp lực tồn kho đường

Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, lượng đường tồn kho tại các nhà máy hiện ở mức 221.310 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 100.000 tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN