Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, lượng đường tồn kho tại các nhà máy hiện ở mức 221.310 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 100.000 tấn. Các nhà máy đường lại bắt đầu bước vào vụ sản xuất mới. Do đó, doanh nghiệp mía đường đang gặp nhiều áp lực trong việc tiêu thụ lượng đường tồn kho.
Năng suất tăng cao
Theo Bộ NN&PTNT, vụ sản xuất mía đường 2012 - 2013 cả nước trồng 298.200 ha, tăng hơn 15.000 ha; năng suất mía bình quân cả nước đạt 63,9 tấn/ha, tăng 2,2 tấn/ha so với vụ trước. Đây là mức năng suất đạt cao nhất trong 10 năm qua. Sản lượng mía cả nước trong niên vụ qua đạt 19,04 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn. Trong vụ này, 41 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế trên 139.500 tấn mía/ngày đã ép mía với sản lượng 16,6 triệu tấn và sản xuất 1,53 triệu tấn đường.
Công nhân nhà máy đường Phổ Phong (Quảng Ngãi) đưa sản phẩm đường vào kho. Ảnh: Thanh Long –TTXVN |
Theo Bộ NN&PTNT, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến nay là 221.310 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/8 đến 15/9 là 102.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 36.300 tấn. Lượng đường bán ra tăng chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu đường của Trung Quốc tăng. Hiện giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy ở mức từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm trước.
Ngay từ đầu vụ, ngoài tiêu thụ trong nước, các nhà máy đường đã phối hợp với các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh xuất khẩu. Các nhà máy đường bắt đầu vào vụ 2013 - 2014. Lượng đường các nhà máy sản xuất trong vụ mới đảm bảo cung ứng đủ và thừa cho thị trường kể từ tháng 11/2013. Lượng đường hiện có chỉ làm “nhiệm vụ” đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 10.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, nếu mức tiêu thụ đường năm nay tương đương năm 2012 thì đến tháng 10/2013, lượng đường dư ra so với nhu cầu lên đến 220.000 tấn. Đó là chưa kể tới lượng đường phải nhập khẩu theo cam kết WTO. Nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn sang năm sau, thì lượng đường dư thừa trong năm nay rơi vào khoảng 120.000 tấn. Đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường trước khi vào vụ sản xuất mới.
Đường trong nước dư thừa nhiều nhưng tình trạng nhập lậu đường qua biên giới với khối lượng lớn, đặc biệt là biên giới Tây Nam, vẫn diễn ra. Bộ NN&PTNT cho biết, trong nhiều tháng qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và tỉnh An Giang đã bắt được một số lô hàng, song thực tế, tình trạng nhập lậu đường qua biên giới chưa được khống chế hiệu quả. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ mía của nông dân và việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường.
Cơ chế xuất nhập khẩu linh hoạt
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, do một số công ty tăng công suất nên trong niên vụ 2013 - 2014, khả năng ép đạt 2 triệu tấn mía/vụ và đạt 1,6 triệu tấn đường. Nếu tính lượng đường sản xuất ra trong năm, cộng với lượng đường tồn kho đầu vụ và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì khả năng niên vụ tới sẽ tồn khoảng 500.000 - 600.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu tham gia thị trường. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng nếu không giải quyết được lượng đường tồn hiện nay, nó sẽ tăng dần và sẽ trở thành cao điểm trong thời gian tới.
Riêng với đường nhập khẩu theo cam kết WTO, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc thời điểm hợp lý và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường; nghiên cứu đề xuất phương thức đấu thầu hạn ngạch để bỏ cơ chế xin cho, tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu. |
Trước tình hình trên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ đã đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thương mại và các nhà máy đường phối hợp xuất khẩu hết lượng đường dư thừa, giúp nhà máy thu hồi vốn kịp thời để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết các khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cần có cơ chế về xuất nhập khẩu đường linh hoạt, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu đường. Cùng với đó, cần tăng cường nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm các chi phí cho người trồng mía...
Ngoài ra, các nhà máy chế biến cần đa dạng hóa các sản phẩm từ mía để tránh sản xuất đường thừa nhiều so với nhu cầu. Thực tế cho thấy, từ cây mía, các nước trên thế giới đã sản xuất ra nhiều sản phẩm khác như: cồn nhiên liệu, chất dẻo sinh học, ván ép từ bã mía, phân hữu cơ vi sinh, điện đồng phát từ bã mía... Nếu đi theo hướng này, áp lực tồn kho đường sẽ giảm mà hiệu quả kinh tế của cây mía lại tăng lên rất nhiều so với chỉ đơn thuần sản xuất đường.
Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bourbon: Không thể giảm giá thu mua nguyên liệu
Các doanh nghiệp sản xuất mía đường hiện đang phải giải quyết bài toán về thu mua nguyên liệu: Mua giá cao thì doanh nghiệp chết còn mua giá thấp thì nông dân chết. Mà nông dân chết thì sang năm doanh nghiệp cũng chết vì thiếu nguyên liệu. Hiện 41 nhà máy đường trên cả nước mỗi năm sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, đạt giá trị khoảng 22.500 tỷ đồng, đóng góp ngân sách xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Do vậy Chính phủ cần xem xét có những chính sách hỗ trợ cho ngành, bởi nhà máy đường đóng cửa thì người nông dân cũng bỏ trồng mía. Theo đó, trước đây chúng ta thiếu đường, không muốn o ép khách hàng thì cho nhập, nhưng bây giờ trong nước đã đủ thì không lý do gì cho doanh nghiệp nhập khẩu nữa.
Ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty mía đường Lam Sơn: Chống buôn lậu chưa quyết liệt
Đường nhập lậu vào Việt Nam rất nhiều, mỗi năm khoảng 400.000 - 500.000 tấn, chiếm mất 1/3 thị trường tiêu thụ của các nhà máy sản xuất trong nước. Tôi đề nghị cần phải chống buôn lậu cho triệt để, đồng thời cấm không cho tạm nhập, tái xuất bởi đây cũng là hình thức gian lận thương mại. Bên cạnh đó, các nhà máy đường trong nước cũng nên nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ bớt lượng đường còn tồn đọng trong nước, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, tiếp tục sản xuất để từ đó khuyến khích nông dân trồng mía. |
Huyền Tím - M.Thuyết