Theo đó, các đơn vị thuộc ngành hải quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước, rà soát nắm vững nguồn thu, nhất là các nguồn thu chính của đơn vị, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu cao nhất trong thực hiện dự toán thu năm 2023.
Song song với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị cần tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát.
Cùng với đó, rà soát, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao, tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý đúng đối tượng miễn thuế, không chịu thuế quy định.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát số thuế phải hoàn của năm 2023, thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 12/2023, tập trung vào các đối tượng hoàn thuế sau: các trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP; các trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 18/2023/NĐ-CP; các trường hợp bổ sung C/O, nộp thừa.
Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước 425.000 tỷ đồng. Dự toán 2023 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7- 8%. Trong khi đó, số thu ngân sách của 10 tháng mới đạt 302.394 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giảm thu, theo Tổng cục Hải quan là do kinh tế thế giới 10 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, xung đột quân sự, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Trong nước sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, nhu cầu thế giới giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất... đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu chịu thuế 10 tháng 2023 giảm 22,5% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, nguyên nhân chính vẫn là một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình, nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… đạt trị giá 57,7 tỷ USD, chiếm 56,8% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, giảm 18,8%, làm giảm thu ngân sách khoảng 32.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Nhóm hàng thứ 2 tác động đến số thu là nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 7,1 triệu tấn, trị giá đạt 5,9 tỷ USD, mặc dù tăng cả về lượng và trị giá nhưng vẫn làm giảm thu khoảng 765 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lý giải về điều này, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, do tác động ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN là 5%, dầu DO và dầu FO là 0%. Trong khi đó, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN thay vì nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8% đã tác động mạnh làm giảm thu.