Số hóa trong kiểm tra hải quan giúp doanh nghiệp giảm chi phí

Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua đối diện nhiều khó khăn, ngành Hải quan đang triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện tối đa cho thông quan hàng hóa. 

Chú thích ảnh
Chuyển đổi số không chỉ giúp ích cho người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, mà công tác quản lý của ngành Hải quan cũng được đảm bảo hơn. 

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 10 tháng năm nay ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% tương ứng giảm 59,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. ‘Tổng kim ngạch XNK 10 tháng năm nay giảm đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan. Tính đến ngày 6/11, toàn ngành Hải quan thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 306.457 tỷ đồng, chỉ bằng 72,1% dự toán, giảm 17,3% với cùng kỳ năm 2022’, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết. 

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: Để thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, ngành Hải quan đã và đang tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số; chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hành chính nội ngành. 

Theo ông Lê Đức Thành, trước mắt, ngành Hải quan tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan với nội dung cốt lõi là thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC ngày 15/9.

“Mục tiêu của Dự án là xây dựng một hệ thống CNTT mới có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại, hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành Hải quan số”, ông Lê Đức Thành nhấn mạnh.

Hiện, Tổng cục Hải quan đã huy động gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn Ngành để rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.

Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, lĩnh vực hải quan hiện liên quan đến khoảng 80.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời gian qua, có 64.700 doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu.

''Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này. Tôi mong muốn chuyển đổi số tốt hơn nữa để người dân được hưởng lợi. Việt Nam đã làm rất tốt khâu kế hoạch chiến lược. Cụ thể, lĩnh vực tài chính là 1 trong 8 lĩnh vực đầu tiên ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã có chiến lược phát triển ngành Tài chính quốc gia, trong đó tôi thấy những trụ cột chuyển đổi số là rất quan trọng”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS Cấn Văn Lực cho biết thêm: Ấn tượng của ngành Hải quan đã số hóa hải quan đến cấp độ 3 và 4. Vấn đề tiếp theo, các cơ quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào? theo đó, một số giải pháp quan trọng cần đặt ra.

Một vấn đề quan trọng nữa là dữ liệu, đó là hồn cốt của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp lớn đều có 1 trung tâm quản lý và phân tích dữ liệu và các cơ quan nhà nước cũng nên làm như vậy.

''Giải pháp thứ nhất là phải có chiến lược, trong đó một vấn đề quan trọng là văn hóa chuyển đổi số; thứ hai là quy trình, các ngành Thuế và Hải quan làm tương đối tốt nhưng cũng cần tự động hóa thêm hơn nữa. Giải pháp tiếp theo là về công nghệ. Trong đó có yếu tố chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng, do đây là vấn đề rất quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn. Vấn đề cần quan tâm nữa là khách hàng, làm sao để việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan tiện lợi'', chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.

''Với ngành Hải quan, thời gian đầu Việt Nam thực hiện Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) rất khó khăn nhưng đã thành công và hiện triển khai 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN.

Đặc biệt, đã phát triển hệ thống kiểm tra kết nối Internet ứng dụng trong quá trình kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trong vùng chứa. Việt Nam đang làm khá tốt khi thủ tục hải quan luồng xanh ở Việt Nam làm rất nhanh”, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.
Huy Cường/Báo Tin tức
Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Hà Lan ký Thỏa thuận thực hiện Hiệp định hợp tác cấp Nhà nước 
Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Hà Lan ký Thỏa thuận thực hiện Hiệp định hợp tác cấp Nhà nước 

Đại diện Tổng cục Hải quan chiều 2/11 cho biết: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn và Ngài Kees van Baar, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đã ký Thỏa thuận thực hiện Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN