Vinacas thông tin, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu điều nhân các loại đạt 232.000 tấn, tăng trên 16% về lượng nhưng kim ngạch chỉ đạt xấp xỉ 1,53 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ 2019 do giá xuất khẩu bình quân giảm gần 14%, chỉ đạt 6.606 USD/ tấn.
Trong số 3 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam gồm: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc thì nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, giảm gần 30% về lượng và giảm 44% về giá trị. Trong khi đó, thị trường Mỹ và châu Âu vẫn duy trì ở mức tốt.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, nhìn vào những con số có thể thấy xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khả quan khi tăng về lượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, con số này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường do lượng hàng xuất khẩu không có thị trường đích (hàng đưa vào kho ngoại quan chờ xuất) còn rất cao.
"Ngoài ra, một nghịch lý vẫn diễn ra như mọi năm, đó là ở một số thời điểm, cùng một mã hàng, giá điều nhân mua bán nội địa cao hơn từ 15 - 20% so với giá xuất khẩu. Điều này làm cho tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuần thương mại xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Do giá giảm, khách hàng đẩy mạnh quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Một số khách đề nghị đàm phán, hỗ trợ giá hoặc giảm giá. Khó khăn trong thương mại, tiêu thụ cũng khiến số vụ tranh chấp thương mại có xu hướng gia tăng, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về." ông Phạm Văn Công nêu vấn đề.
Theo phân tích của Vinacas, nhu cầu tiêu dùng nhân điều toàn cầu từ nay đến cuối năm 2020 rất khó dự báo. Bởi, hạt điều không phải là sản phẩm thiết yếu, không thể thay thế trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế, tiêu thụ hạt điều trong nhà hàng, các cơ sở lưu trú, khách sạn, du lịch đã giảm mạnh do giãn cách xã hội.
Vinacas đưa ra hai kịch bản cho ngành điều trong những tháng cuối năm theo chiều hướng trái ngược. Trường hợp khả quan là đại dịch COVID -19 được ngăn chặn, chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động bình thường trở lại giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Cùng với đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật tiếp tục gia tăng trong và sau mùa dịch tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Cộng với việc trong thời gian qua nhiều cơ sở chế biến điều quy mô nhỏ và vừa ở cả Việt Nam và Ấn Độ giảm công suất, ngưng hoạt động làm cho lượng hàng cung ứng ra thị trường giảm có thể giúp giá điều có thể sớm tăng trở lại theo quy luật cung - cầu trên thị trường. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhân điều các loại cả năm có thể được cải thiện, chỉ giảm nhẹ so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp hiện nay các doanh nghiệp cho rằng, khả năng này rất khó xảy ra. Cụ thể, làn sóng COVID-19 lần thứ hai đang xuất hiện ở nhiều quốc gia và chưa có giải pháp khống chế hiệu quả, dẫn tới những tác động tiêu cực không thể lường trước được.
Theo đó, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc được dự báo tiếp tục ảm đạm, kể cả ở giai đoạn cao điểm cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra những lễ hội quan trọng.
Không chỉ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu điều thô nguyên liệu cũng bị tác động do dịch COVID-19. Ngoài việc thường xuyên bị trì hoãn giao hàng, chất lượng điều thô châu Phi năm nay cũng giảm mạnh so với niên vụ trước. Việc Chính phủ Bờ Biển Ngà thay đổi chính sách hỗ trợ cho người nông dân trước thềm bầu cử cũng khiến cho việc nhập điều thô nguyên liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hơn nữa, mặc dù giá nhập khẩu điều thô tiếp tục giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng theo các doanh nghiệp, tỷ lệ giảm giá của hạt điều thô nhìn chung thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giảm giá của điều nhân trong cùng một thời điểm. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không thể cân đối giá thành sản xuất, chế biến, buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Trước tình hình trên, bên cạnh việc điều chỉnh mục xuất khẩu Vinacas cũng định hướng doanh nghiệp thực hiện chủ trương “giảm lượng, tăng chất” trong cả nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu điều nhân nhằm thích ứng và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.