Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay? Quý I/2017 đã qua, ngành dệt may đang bước sang quý II với nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường, mặc dù chưa thể nói là bền vững. Tuy nhiên q uý I toàn ngành đạt 6,75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đặc biệt của quý I/2017 đó là tăng trưởng ở các thị trường truyền thống không cao, thị trường Mỹ và EU chỉ tăng khoảng 6,3% - 6,4%. Nhưng nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu tốt; trong đó, Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng vào Nga tăng 115%; đối với thị trường Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường. Cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanma 5%.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu dệt may năm nay tăng trưởng khả quan. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14% ở quý I. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Brazil và Ấn Độ có mức tăng trưởng rất tốt, lên đến 34%.
Từ đó có thể thấy, những nỗ lực của việc chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác những hiệp định thương mại song phương và đa phương mới đã cho kết quả, mà phần lớn thành quả này đến từ Liên minh Kinh tế Á - Âu và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Thêm vào đó là điểm đặc biệt về mặt hàng, với những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ 13% - 17%, veston tăng 15%, còn những mặt hàng như sơ mi, jacket chỉ tăng trưởng khoảng 1%.
Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng tốt trong quý I là đồ bơi tăng 29%, quần áo mưa tăng 41%, quần áo gió tăng 18 lần và khăn tăng 31%. Việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn và ít phụ thuộc hơn vào các thị trường truyền thống như các năm trước.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có những định hướng, chỉ đạo cụ thể như thế nào đối với các doanh nghiệp thành viên trước những khó khăn của thị trường?
Tất cả các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã làm rất tốt việc cạnh tranh trên thị trường bởi thực chất ngành dệt may là ngành luôn cạnh tranh rất khốc liệt.
Các doanh nghiệp đã có những sáng tạo, phát kiến riêng của mình khi tiên lượng được những khó khăn của thị trường ở cả châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhờ đó đã có những xúc tiến rất kịp thời tại các thị trường mới và mặt hàng mới.
Một điều rất rõ ràng là, những thị trường và mặt hàng mới này không phải chỉ được xúc tiến trong 1, 2 tháng mà các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, xúc tiến trong nhiều năm khi họ nhìn thấy cơ hội qua việc đàm phán các hiệp định thương mại.
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Trong 6 tháng cuối năm 2016 công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, mặt hàng mới diễn ra mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn do các doanh nghiệp nhìn thấy trước những khó khăn ở thị trường thế giới.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đã hết sức sáng tạo và tập trung trong việc tiếp tục cải thiện năng suất, tiết kiệm trong chi phí và giá thành, đặc biệt trong điều kiện những chi phí cơ bản ở trong nước tiếp tục tăng nhưng tỷ giá hối đoái lại ổn định.
Việc tỷ giá ổn định đối với các ngành xuất khẩu cũng là bài toán khó khăn đối với doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện các quốc gia cạnh tranh liên tục có sự giảm giá đồng tiền để giữ thị trường, thị phần như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Malaysia.
Việc doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được thách thức của 6 tháng cuối năm 2016 và quý I/2017 trong điều kiện kinh tế, tỷ giá, lãi suất của Việt Nam và các chi phí đầu vào tăng lên, là có nhiều sáng tạo và nhiều bài học mới.
Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp dệt may vẫn luôn mong muốn trong chính sách vĩ mô tiếp tục có những tính toán cân đối một cách phù hợp giữa tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam với các đồng tiền của các quốc gia để cạnh tranh không bị thất thế trong xuất khẩu.
Độ trễ của thị trường xuất khẩu có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và trong khoảng thời gian này nếu Việt Nam không phản ứng kịp thời thì khách hàng có thể thay đổi nguồn cung cấp và hệ quả tất yếu là doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp những khó khăn trong dài hạn.