Ngành dệt may chưa hết khó khăn trong năm 2017

Năm 2016, ngành dệt may không đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra hồi đầu năm do nhiều khó khăn từ thị trường nước ngoài. Những khó khăn này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2017, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để có thể thích ứng.

Hết thời “kí một đơn hàng, làm cả năm”

Xuất khẩu dệt may năm nay dự kiến đạt 28 tỷ USD. Mặc dù đã tăng 4,8% so với cùng kì nhưng so với mục tiêu đề ra là 29 tỷ USD thì kim ngạch năm nay vẫn còn thiếu khoảng 1 tỷ USD.

Một số doanh nghiệp dệt may đã chủ động tham gia các hội chợ thời trang trong nước. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mức tăng trưởng thấp 1 con số, thấp nhất trong 10 năm qua.

Ông Dũng phân tích, tăng trưởng của ngành dệt may không cao do các nhà mua hàng thế giới rút ngắn kế hoạch mua hàng từ dài hạn thành ngắn hạn.

“Nếu trước đây, doanh nghiệp (DN) chuẩn bị kế hoạch từ 5 - 6 tháng thì nay kế hoạch này đã rút ngắn xuống còn 2 - 3 tháng. Đơn hàng ít, thời gian đặt hàng ngắn đòi hỏi DN phải có giá cạnh tranh thì mới làm được”, ông Dũng nói.

Như vậy, đã qua thời kì DN dệt may có thể kí một đơn hàng và làm trong cả năm. Tình thế hiện nay buộc DN phải lăn lộn tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm thị trường nếu không muốn rơi vào tình thế phải “ăn đong từng bữa”. Thực tế trong năm 2016, nhiều DN dệt may đã bị thiếu đơn hàng trầm trọng.

Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Dũng cho biết, tâm lý thích giảm giá không chỉ có ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nếu DN xuất khẩu của ta không giảm giá thì đối tác không mua. Khó kiếm đơn hàng mới, giá xuất khẩu giảm... chính là những khó khăn mà các DN dệt may trong nước phải đối mặt.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu nước ngoài đang có xu hướng: Những sản phẩm đòi hỏi giá trị gia tăng cao thì sản xuất ở chính quốc hoặc đặt hàng những nước phát triển cao; các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, không “mode” lắm thì sẽ sản xuất ở Việt Nam và Trung Quốc để giảm thiểu chi phí. Do vậy, nếu DN Việt Nam chỉ chạy theo làm gia công cho các đối tác nước ngoài thì giá trị thu lại không được bao nhiêu.

Chú trọng thị trường nội địa hơn

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may nước ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Cambodia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka... Ấn Độ đang tập trung nguồn lực cũng như chính sách để phát triển ngành dệt may. Cambodia, Myanmar... được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Một số nước có giá thành rất cạnh tranh nên đã hút đơn hàng từ Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường rộng lớn trong nước lại chưa được DN dệt may Việt Nam tận dụng. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện có rất ít DN dệt may quan tâm đến thị trường nội địa. Nguyên nhân là do thị trường này đòi hỏi đầu tư lớn về mẫu mã, thiết kế, đặc biệt là hệ thống phân phối: đưa hàng vào siêu thị, nông thôn, bán hàng online...

Tập đoàn ước tính, thị trường nội địa có giá trị khoảng 4 - 5 tỷ USD. Khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Việt Nam được bán hàng vào các thị trường khó tính với thuế suất ưu đãi nhưng đổi lại, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng như vậy. Do đó, nếu DN không muốn để thị trường nội địa rơi vào tay các đối thủ nước ngoài thì ngay lúc này cần đầu tư vào thị trường nội địa.

“Các DN cần thông qua thị trường nội địa để phát triển thương hiệu, sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rộng khắp hơn nữa”, ông Hoàng Vệ Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, các DN cần nhạy bén thích ứng với thị trường. Khi các đối tác nước ngoài cố gắng ép hạ giá bán, DN Việt Nam cần chuyển hướng từ làm gia công sang làm hàng FOB và ODM, tức là đầu tư cả khâu thiết kế, may mẫu, đóng gói, vận chuyển... DN cần hạn chế tối đa bán hàng qua các khâu trung gian, cố gắng làm trực tiếp, “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Hoàng Dương
86% lao động ngành dệt may, da giày có nguy cơ mất việc
86% lao động ngành dệt may, da giày có nguy cơ mất việc

Đó là thông tin tại buổi đối thoại “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức vào ngày 13/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN