Với sản lượng 15,5 triệu tấn/năm, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Tuy nhiên, điều trớ trêu là con số “hoành tráng” trên không phải của doanh nghiệp “nội” mà chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Là quốc gia phát triển thế mạnh về nông nghiệp, nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh: Thí nghiệm tìm công thức TACN mới tại Công ty TNHH Dinh dưỡng Á Châu). |
Hiện cả nước có 234 doanh nghiệp sản xuất TACN, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, DN đang hoạt động sản xuất trực tiếp. Đặc biệt, dù chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 15 đơn vị, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh đã sở hữu 44 nhà máy, sản xuất gần 7,2 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi và thâu tóm tới hơn 60% thị phần cả nước. Nhiều nhà máy sản xuất TACN của khối doanh nghiệp này có sản lượng 135.000 tấn/năm, trong đó nhà máy lớn nhất có tổng sản lượng tới 830.000 tấn/năm với những thương hiệu đã “làm mưa làm gió” trên thị trường trong thời gian qua như: C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Dr.Nupak (Đài Loan - Trung Quốc).
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, những nhà sản xuất nước ngoài và liên doanh đang chi phối thị trường gồm: CP Việt Nam chiếm 12%, Proconco gần 10%, Cargill Việt Nam và GreenFeed Việt Nam đều là 8%... Trong năm qua, ngành TACN đã chứng kiến sự đầu tư phát triển của nhiều doanh nghiệp ngoại như: Cargill Việt Nam đã đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất TACN mới, nâng tổng số nhà máy sản xuất TACN lên 9 nhà máy; CP và New Hope thông báo kế hoạch đến năm 2014 sẽ có thêm 6 nhà máy được đưa vào hoạt động; Công ty TNHH Dinh dưỡng Á châu cũng có kế hoạch mở thêm nhà máy ở khu vực miền Trung…“Mới đây Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz của Nhật Bản đã chính thức khánh thành và đưa nhà máy sản xuất tại Long An đi vào hoạt động. Nhà máy được đầu tư 24 triệu USD, công suất là 200.000 tấn/năm và là thương hiệu TACN Nhật Bản đầu tiên có mặt tại Việt Nam” - ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam thông báo.
Doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và mức tăng trưởng luôn trong khoảng 13-15%, thị trường TACN Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp nuôi khát vọng làm giàu. Việc mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khiến thị phần của khối doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp và lép vế. Do không chịu được sức ép từ phía doanh nghiệp ngoại, việc phá sản của doanh nghiệp “nội” là điều khó tránh khỏi. Và hệ lụy là ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Tại cuộc họp về ngành sản xuất TACN được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Proconco (liên doanh Việt - Pháp) cho biết, thời gian qua, công ty liên tục nhận được những lời chào mời mua lại nhà máy của các doanh nghiệp chế biến TACN trong nước nhưng doanh nghiệp vẫn chưa quyết định. Theo bà Hồng, các doanh nghiệp “nội” chỉ chiếm khoảng 30-35% thị phần và thường phân bố ở những khu vực mà nhà đầu tư “ngoại” không “với” tới được như vùng sâu, vùng xa... Nhu cầu TACN trong nước hiện rất lớn và vì vậy, việc đầu tư mở rộng công suất được nhiều doanh nghiệp trong nước đặt ra nhằm mục tiêu cạnh tranh thị phần với khối doanh nghiệp nước ngoài.
Không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, quản trị doanh nghiệp kém, nguồn vốn eo hẹp… là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước teo tóp dần trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Trong số 234 doanh nghiệp sản xuất TACN, đã có 40 doanh nghiệp đóng cửa; trong đó hầu hết thuộc những nhà máy có công suất nhỏ, dưới 10.000 tấn/năm. Điều khiến chúng tôi lo lắng là đây chưa phải là con số cuối cùng vì vẫn còn khoảng 70 đơn vị khác cũng có công suất tương tự và có nguy cơ ngưng hoạt động trong thời gian tới. Trong khi đó, cũng trong năm 2012, đã có hơn 347 triệu USD của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành sản xuất TACN, chiếm gần 95% tổng vốn nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại vào ngành hàng nhiều tiềm năng này”, ông Lịch cho hay.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài cuối: Nỗ lực ổn định giá thức ăn chăn nuôi