Ngành chăn nuôi trong nước đang rơi vào cảnh lao đao bởi giá thức ăn chăn nuôi (TACN) đang tăng chóng mặt. Trong khi đó, phần lớn mặt hàng này đang chịu sự chi phối của các công ty nước ngoài. Trong lúc ngành chức năng vẫn đang loay hoay thì người chăn nuôi, người tiêu dùng và cả doanh nghiệp sản xuất TACN “nội”… đã và đang hứng chịu nhiều thiệt thòi.
Bài 1: Ao không, chuồng trống
Thời gian gần đây, trên khắp vùng nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho đến các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm ở khu vực miền Đông Nam bộ, rất nhiều người chăn nuôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
Thua lỗ triền miên
Có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn 10 năm, nhưng hơn 2 tháng nay, anh Minh ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) đã quyết định “đoạn tuyệt” với nghề này. Đưa tay chỉ dãy chuồng trại với các dụng cụ phục vụ cho việc chăn nuôi được đầu tư bài bản, anh Minh lắc đầu ngao ngán: “Tôi phải chuyển sang phương án làm ăn khác thôi. Những năm trước, giá thịt lợn có xuống thấp nhưng vẫn còn lời, nhưng năm nay người nào may mắn lắm là huề vốn, còn hầu hết là lỗ nặng. Mẹ tôi còn 20 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng với giá bán chỉ khoảng 37.000 đồng/kg như hiện nay, bà sẽ bị lỗ ít nhất là 500.000 đồng/con. Không chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều hộ chăn nuôi khác ở đây đã tính đến chuyện bỏ nghề”.
Chăn nuôi không hiệu quả, rất nhiều hộ chăn nuôi đã quyết định “treo”chuồng. |
Được mệnh danh “thủ phủ” chăn nuôi gà lớn nhất miền Đông Nam bộ, các trang trại và hộ chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Nai hiện cũng đang đứng ngồi không yên vì giá gà thương phẩm đang “tụt dốc không phanh”. Sau thời gian dài giá giảm, hiện giá gà bán ra tại những trang trại chăn nuôi đã xuống ngưỡng dưới giá thành. Hiện giá gà tam hoàng chỉ còn 38.000 - 40.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 12.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2013.
“Người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang lỗ nặng; đặc biệt các hộ, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng còn lỗ nặng hơn vì mang gánh nặng trả lãi suất. Những trang trại lớn xuất chuồng khoảng 10.000 - 12.000 con gà tam hoàng thịt/ngày và với giá cả như trên, mỗi ngày phải gánh lỗ khoảng 30 - 40 triệu đồng” - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Tương tự, người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL cũng đang chịu cảnh giá bán cá thành phẩm không bù được chi phí đầu tư. Theo tính toán của bà con, giá cá tra đang giảm thê thảm, hiện ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Nếu tính đúng, tính đủ các khoản chi phí đầu tư, người nông dân đang lỗ nặng. Dù giá cá tra xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng tích cực nhưng hiện giá cá tra nguyên liệu chỉ được thu mua ở mức hơn 22.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành nuôi hiện nay là từ 24.000 - 25.000 đồng/kg. Sau khi cân đối, nhà nông lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào như: thuốc thú y, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, nhân công… tăng. Đặc biệt, giá TACN tăng phi mã, trong khi giá bán sản phẩm không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm, đã trở thành tác nhân khiến người chăn nuôi nghĩ đến việc để “ao không, chuồng trống”.
Lo khủng hoảng thiếu hụt
Bước sang tháng 4, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị cho mùa nuôi cá tra mới, nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ nói “không” với nghề đang gia tăng. Tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích nuôi trồng hơn 1.600 ha, đến nay đã có khoảng 30 - 40% được chuyển đổi sang phương thức làm ăn khác hoặc bị bỏ trống. Còn tại An Giang, toàn tỉnh có hơn 1.300 ha nuôi cá tra, nhưng đến thời điểm hiện nay đã có hơn 50% số hộ nông dân tính đến chuyện “treo” ao hoặc thu gọn diện tích. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cá tra của toàn tỉnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn cả về tổng đàn và sản lượng thịt trên phạm vi cả nước. Cụ thể, chăn nuôi lợn chiếm 65% tổng đàn với 55 - 60% sản lượng thịt; chăn nuôi gà chiếm 70% tổng đàn với 60% sản lượng thịt; chăn nuôi trâu, bò chiếm tới 90% tổng đàn và 96% sản lượng thịt… Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là số hộ chăn nuôi đang giảm mạnh với xu thế năm sau giảm hơn năm trước.
“Thống kê của chúng tôi, hơn 5 năm qua, số hộ chăn nuôi trên cả nước đã giảm hơn 17% và tại nhiều địa phương, tỷ lệ này còn ở mức cao hơn, từ 20 - 30%. Kết thúc quí 1/2013, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất thịt lợn giảm 20% so với cùng kỳ năm 2012. Điều đáng quan tâm, nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp kịp thời, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung gia súc, gia cầm trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cảnh báo.