Ngân hàng ‘tăng tốc’ số hóa để nâng cao tính bảo mật

Không chỉ nâng cấp về giao diện ngân hàng số và trải nghiệm người dùng, một số ngân hàng còn thêm tính năng nhận diện tài khoản lừa đảo khi chuyển tiền.

Chú thích ảnh
VCB Digibank thế hệ mới được bổ sung nhiều tính năng mới cho khách hàng.

Cập nhật các phiên bản mới, ứng dụng AI

Mới đây, Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Đây được coi là đợt cập nhật lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2020 với giao diện, luồng trải nghiệm được thiết kế mới cho từng phân khúc. 

“VCB Digibank hiện có gần 13 triệu khách hàng thường xuyên, xử lý hơn 6 triệu giao dịch mỗi ngày. Để tăng tốc cho giai đoạn phát triển tiếp theo, Vietcombank đã tập trung nguồn lực để ra mắt VCB Digibank thế hệ mới với trọng tâm đổi mới trải nghiệm và nâng cao tính cá nhân hóa”, đại diện VCB cho biết.

Theo đó, VCB Digibank thế hệ mới được bổ sung nhiều tính năng như: Chuyển tiền “1 chạm”, tức là tự động nhận diện thông tin ngân hàng nhận/người nhận và xử lý chuyển tiền bằng hình thức phù hợp, tối ưu. Khách hàng không phải lựa chọn chuyển tiền trong/ngoài hệ thống Vietcombank/chuyển tiền nhanh 24/7 như trước.

Chú thích ảnh
Chuyển tiền “1 chạm”, tức là tự động nhận diện thông tin ngân hàng nhận/người nhận và xử lý chuyển tiền bằng hình thức phù hợp.

Để giúp khách hàng nâng cao quản lý tài chính cá nhân, VCB Digibank tự động ghi nhận và phân loại thu/chi theo danh mục đã thiết lập, đặc biệt cảnh báo khi chi tiêu vượt ngân sách. Thông tin thu nhập, chi tiêu được đơn giản hóa thông qua các biểu đồ trực quan sinh động; lập danh sách nhóm, chia sẻ hoá đơn cho các thành viên nhóm và tự động nhắc nợ thành viên. Bên cạnh đó, nội dung ngân hàng số mới còn có tính năng chia sẻ thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT. Đây là tính năng tiện lợi cho chủ cửa hàng và người kinh doanh.

Ngân hàng số LienViet24h vừa đổi tên thành LPBank, nhằm đồng bộ về nhận diện thương hiệu, tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, khẳng định vị thế của một ngân hàng số năng động và hiện đại.

Với tên gọi mới, ngân hàng số LPBank tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả về mọi mặt của LPBank. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi mang tính đồng bộ của LPBank về nhận diện thương hiệu, sự đột phá về công nghệ và chất lượng sản phẩm dịch vụ ưu việt, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tài chính số hiện đại, linh hoạt và tiện ích.

“Ngân hàng số LPBank” thể hiện mong muốn của LPBank nhấn mạnh vào 3 giá trị: Sự tin cậy và uy tín; sự hiện đại và mới mẻ; sự gắn kết và đồng hành. Theo đó, khách hàng được trải nghiệm các tiện ích vượt trội cùng ứng dụng công nghệ tiên tiến như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong định danh và xác thực khách hàng, ứng dụng Big Data trong lưu trữ dữ liệu và phân tích hành vi, ứng dụng công nghệ giao tiếp gần NFC (công nghệ giao tiếp trường gần, sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau), xác thực và định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Chỉ cần đăng ký bằng số điện thoại và định danh trực tuyến với giải pháp eKYC (định danh qua khuôn mặt), khách hàng sử dụng ngân hàng số LPBank có thể tận hưởng hàng trăm dịch vụ thanh toán nhanh chóng, an toàn với hơn 200 dịch vụ đa dạng, mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử, nhận ưu đãi hoàn tiền đến 40%, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán học phí, bảo hiểm…

Ngân hàng số LPBank không ngừng nâng cấp các phương thức bảo mật cao nhất như Face ID, vân tay, CCCD gắn chip, áp dụng chuẩn bảo mật PCI DSS cho các chức năng thẻ, ứng dụng phương thức xác thực Soft OTP trong chuyển tiền và thanh toán, giúp đảm bảo an toàn cho mọi giao dịch và dữ liệu của người dùng.

“Ngân hàng số LPBank còn hướng đến cung cấp giải pháp quản trị doanh số ShopQR với vai trò làm trợ thủ đắc lực cho các chủ cửa hàng, hộ kinh doanh trong quản lý tài chính và theo dõi nguồn thu trên chính ứng dụng của ngân hàng”, đại diện LPBank cho biết. 

Tăng tính bảo mật cho khách hàng

Chú thích ảnh
MB triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện MB cho biết: MB đang là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo, giúp khách hàng thêm an tâm khi chuyển tiền.

Theo đó, khi thao tác chuyển tiền, khách hàng MB sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản lừa đảo. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, nghi ngờ, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình. “Khách hàng có thể tải ứng dụng ngân hàng số - MB Bank và trải nghiệm tính năng chặn giao dịch lừa đảo tại địa chỉ: https://go.onelink.me/QPF5/7748cb2a”, đại diện MB cho biết.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Napas, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tích cực triển khai các quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN, trong đó có việc triển khai các giải pháp xác thực 3D Secure hoặc tương đương.

“EMV 3DS hiện là tiêu chuẩn xác thực trực tuyến có độ an toàn bảo mật cao được áp dụng trên toàn cầu. Thời gian tới, Napas sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) và trung gian thanh toán đưa công nghệ này vào áp dụng, đảm bảo đồng bộ, mang lại trải nghiệm thanh toán an toàn, bảo mật cho khách hàng”, ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết.

Theo Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), NHNN đang xác định bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 7 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin thanh toán (trung bình mỗi tháng 1 văn bản); đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các TCTD, trung gian thanh toán.

“Ngành Ngân hàng tập trung chủ yếu vào các giải pháp chủ động kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu về an toàn thông tin thanh toán của các hệ thống thông tin; chủ động giám sát, điều tra các dấu hiệu sự cố an toàn thanh toán ngay từ khi mới bắt đầu để kịp thời xử lý từ sớm các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra”, đại diện NHNN cho biết.

TS Trần Hùng Sơn (Trường Đại học Kinh tế Luật) nhận định, cần tăng cường hợp tác trong ứng dụng AI vào lĩnh vực bảo mật. Trong đó, tập trung vào các khâu đối chiếu dữ liệu, nhằm phát hiện gian lận tại đơn vị vận hành hệ thống thanh toán. Các thông tin về gian lận cũng cần được chia sẻ, cập nhật để các bên liên quan tích hợp vào dữ liệu, từ đó xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) và các ứng dụng đo lường rủi ro mất an toàn.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ứng dụng AI vào bảo mật thanh toán không tiền mặt
Ứng dụng AI vào bảo mật thanh toán không tiền mặt

Cùng với sự phổ biến của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao cũng ngày càng một gia tăng với nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, khó nhận biết. Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ứng phó với lừa đảo qua mạng đang là giải pháp được các ngân hàng hướng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN