Trước tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, ngày 23/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp trực tuyến với các ngân hàng thương mại (NHTM) và 5 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; để lên kế hoạch hỗ trợ, nhằm giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Hiện tín dụng dư nợ tại ĐBSCL là trên 665.000 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định.
Cùng với đó, NHNN đã quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng; chỉ đạo các TCTD cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Theo tính toán sơ bộ, số tiền thiệt hại của đợt hạn mặn lần này của tỉnh là gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn cả đợt hạn mặn lịch sử trước đó vào năm 2015-2016. Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%.Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đến hết tháng 02/2020 thấp dưới 2%.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, việc giải quyết tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất”, ông Đào Minh Tú nói.
Trước đó, đại diện Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 là xâm nhập mặn lịch sử, xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015 - 2016. Thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha), bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015 - 2016.
Hiện đã có 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn. Hơn 39.000ha lúa bị thiệt hại, hơn 96.000 hộ gặp khó khăn về nướcsinh hoạt, dự báo con số thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên.