Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật; cùng đó là đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thuỷ sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch,…); suy thoái hệ sinh thái thuỷ sinh như: hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển…
Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn. Việc Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến nay, tổng diện tích vùng biển thuộc các khu bảo tồn đã đi vào hoạt động là 133.766 ha (11/16 khu), tương ứng 0,134% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, đạt 55,8% so với mục tiêu được phê duyệt.
Hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển được triển khai khá tốt trong giai đoạn 2005- 2015, tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động này đang có dấu hiệu chậm lại, một số mô hình đã dừng hoạt động do thiếu kinh phí để duy trì, đặc biệt là đối với khu bảo tồn biển mới thành lập.
Việc xây dựng các công trình ven biển, đảo phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế; trong đó có du lịch đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái. Lượng trầm tích lớn trong quá trình xây dựng đưa vào môi trường nước đã làm suy thoái sinh thái rạn san hô ở những vùng rạn gần kề như: Vịnh Nha Trang, Phú Quốc. Đến nay, các ban quản lý cũng chưa xây dựng được đề án phát triển du lịch, quy chế, kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển…
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017… Cùng với đó, tiến hành đánh giá đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển; triển khai thử nghiệm nghề cá giải trí trong các khu bảo tồn biển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển ở cấp quốc gia; quản lý du lịch bền vững trong khu bảo tồn; xây dựng và thực hiện dự án “Giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa trong các Khu bảo tồn biển Việt Nam”.
Nhằm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép; kiểm soát các nghề, ngư cụ cấm, khu vực và thời gian cấm khai thác, sử dụng chất nổ, xung điện…
Tổng cục Thủy sản cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản…
Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị bổ sung chính sách đầu tư cho các khu bảo tồn biển trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về tăng cường quản lý hiệu quả bảo tồn biển nhằm thực hiện Nghị quyết 36/NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.