Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU

Nhằm phòng, chống tình trạng khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU), UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU tên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ phương tiện cùng ngư dân.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Tỉnh Tiền Giang hiện có đội tàu đánh bắt hải sản với 60% tàu có công suất lớn đủ sức vươn ra khai thác các ngư trường xa và đến nay có 100% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang đánh giá: Việc tuyên truyền phòng, chống IUU trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ tuyên truyền vận động của địa phương cùng các sở, ngành liên quan, ý thức của các chủ ghe, tàu cá cùng ngư dân đã được nâng lên rõ rệt nên số phương tiện đánh bắt xa bờ nghi vấn vi phạm IUU đã được giảm thiểu. Từ đó, góp phần chấm dứt tình trạng tàu cá cùng ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm khai thác IUU.

Tại huyện Gò Công Đông, một trong những địa phương của tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về khai thác hải sản với 704 tàu cá đánh bắt xa bờ, có sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt trên 10.000 tấn hải sản. Để giảm thiểu tình trạng vi phạm IUU, các Đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật về thủy sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá.

Nội dung tuyên truyền gắn với Chỉ thị 12 của UBND  tỉnh Tiền Giang về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá cùng ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU.

Theo bà Lê Hồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có tàu cá phối hợp các ngành có liên quan cùng các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tăng cường tuyên truyền cho ngư dân để chống khai thác bất hợp pháp.

Đồng thời, nắm chắc các phương tiện tàu thuyền, trong đó có giám sát thiết bị hành trình để tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Từ năm 2022 trở lại đây, huyện Gò Công Đông không có phương tiện vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Đại tá Trương Công Sâu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang cho biết: Trước ra khơi, lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các đồn biên phòng cho chủ phương tiện làm bản cam kết; kiểm tra chặt chẽ về máy giám sát hành trình, tổ chức tuyên truyền cho ngư dân, đặc biệt là thuyền trưởng không đánh bắt vi phạm chủ quyền các nước láng giềng.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát các tờ rơi gửi cho các chủ phương tiện cùng thuyền trưởng với nội dung tuyên truyền về việc chấp hành quy định phòng, chống khai thác IUU gắn với triển khai thực hiện Luật Thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành các quy định về khai thác hải sản trên biển, không vi phạm IUU. 

Đại úy Lê Văn Vịnh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) cho hay, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, kiểm chứng, phòng chống khai thác IUU, tuyệt đối không cho các phương tiện đánh bắt xa bờ vi phạm chủ quyền nước láng giềng, nhất là phương tiện xuất bến phải có thiết bị giám sát hành trình; kiên quyết không cho phương tiện xuất bến đối với phương tiện không đủ thiết bị giám sát hành trình.

Bên cạnh đó, các Đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Tiền Giang còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật về thủy sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá. Nội dung tuyên truyền gắn với Chỉ thị 12 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá cùng ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU.

Thuyền trưởng Hải Thiên Phúc,  ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Qua tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng cùng các cấp chính quyền địa phương, tôi cùng các thuyền viên đã hiểu biết đường lối của nhà nước, về quy định khai thác hải sản trên biển nên  đánh bắt, khai thác hải sản theo quy định của pháp luật, không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi tàu hoạt động, chúng tôi luôn mở máy giám sát hành trình 24/24 để cơ quan chức năng giám sát".

Theo đánh giá của Chi cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang), việc tuyên truyền phòng, chống IUU trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ tuyên truyền vận động của nhiều sở, ngành liên quan; trong đó có lực lượng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang, ý thức của các chủ ghe, tàu cá và ngư dân đã được nâng lên rõ rệt nên số phương tiện đánh bắt xa bờ nghi vấn vi phạm IUU đã được giảm thiểu.

Qua đó, góp phần chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ. Lực lượng chức năng  đã quản lý tốt đội tàu qua công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá (100% tàu cá hoạt động được kiểm soát hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá...).

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hành trình tàu cá vùng khơi đặc biệt là vùng gần ranh giới biển nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá vi phạm IUU, hướng đến phát triển nghề cá bền vững và chuyên nghiệp.

Hữu Chí (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Không bỏ lọt hành vi vi phạm khai thác
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Không bỏ lọt hành vi vi phạm khai thác

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển về việc tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN