Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, thông qua hội thảo, tỉnh Kon Tum kỳ vọng các nhà khoa học, các chuyên gia, Sở, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh sẽ nâng cao tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của sâm Ngọc Linh và có phương pháp phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác. Cùng với đó, đạt được những giải pháp để liên kết, phát triển cây sâm Ngọc Linh nhằm giúp bà con có thể làm giàu từ giống sâm quý; gắn việc phát triển sâm với phát triển du lịch để sâm Ngọc Linh từng bước vươn tầm ra thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương trồng sâm đã thẳng thắng trao đổi, thảo luận liên quan đến các nội dung xoay quanh việc nâng tầm giá trị cây sâm Ngọc Linh.
PGS.TS Nguyễn Trường Huy (Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có chứa nhiều saponin tương đồng nhau, song hồ sơ sinh chất về tổng thể là khác nhau. Trên cơ sở đó, nhóm đã xác định rõ các chỉ dấu hóa học có khả năng phân biệt sâm Ngọc Lịnh và sâm Lai Châu hiệu quả bằng phương pháp sắc ký. Phương pháp này so với phương pháp phân tích DNA để phân biệt sâm có ưu điểm là thuận lợi, nhanh, rẻ và khả thi trong định lượng.
GS. TS Nguyễn Minh Đức (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, trong giai đoạn thị trường sâm còn nhiều bất cập, Nhà nước cần củng cố luật pháp, hệ thống quản lý thị trường, nhất là quản lý chặt chẽ việc lưu hành sâm và các sản phẩm từ sâm. Đây là việc làm cấp bách nhằm chống tình trạng nhầm lẫn, giả mạo, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của các cây sâm quý. Chính quyền địa phương cần tăng cường, hoàn chỉnh chuỗi quản lý chất lượng các cây sâm từ giống cây, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng đến sản phẩm cuối cùng để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.
Với giá trị kinh tế rất cao, một hécta sâm Ngọc Linh sau 8 năm trồng có thể thu về lợi nhuận đạt trên 32 tỷ đồng. Do đó, đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.
Để phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh là 31.742 ha; trong đó vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500 m trở lên là 16.988 ha.
Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 2.900 ha sâm Ngọc Linh; riêng huyện Tu Mơ Rông đã có khoảng 2.883 ha với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 4 doanh nghiệp tham gia trồng sâm. Tỉnh Kon Tum đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai Trung tâm Nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông với quy mô khoảng 60 ha. Đây là nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa ra trồng và mở rộng diện tích cho giai đoạn 2025 – 2030 và những năm tiếp theo.
Dịp này, các đơn vị liên quan đã tổ chức ký kết nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cây sâm Ngọc Linh, mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua từng nằm. Điều này giúp nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh và người tiêu dùng sẽ yên tâm khi mua được những mặt hàng chất lượng cao. Cạnh đó, việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác đã tạo điều kiện để địa phương có cơ sở quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh.