Bài 1: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
Thông qua chương trình OCOP, trong 4 năm qua các địa phương khu vực phía Nam đã dần hình thành nhiều vùng nguyên liệu đặc sản, đưa nhiều sản phẩm từ chưa có thương hiệu thành sản phẩm có thương hiệu. Với sản phẩm đã có thương hiệu thì dần nâng cao chất lượng hơn nữa để có thể cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Từ phát triển sinh kế
Mục tiêu của chương trình này là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ thể thực hiện phát triển sản phẩm OCOP là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đây lại là chủ thể phát triển kinh tế tập thể, mà nhỏ nhất là thúc đẩy kinh tế nông hộ phát triển. Để từ đó, các hộ nông dân có hướng đi phát triển sản phẩm của địa phương theo hướng xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 8.340 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và có 4.273 chủ thể tham gia chương trình. Trong những sản phẩm đó, có 20 sản phẩm đánh giá đạt 5 sao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm quà tặng cấp quốc gia.
Là một trong những địa phương có mục tiêu sử dụng sản phẩm OCOP giúp nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, Cà Mau có tổng số 128 sản phẩm OCOP của 61 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên. Theo ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, trong 128 sản phẩm OCOP, có 54 sản phẩm vừa được công nhận trong tháng 4/2023. Trong số 54 sản phẩm OCOP vừa được công nhận, có 51 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 3 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Các sản phẩm OCOP vừa công nhận có khả năng cạnh tranh trên thị trường cao và phát triển tốt. Đây cũng là những dòng sản phẩm giúp nông dân Cà Mau phát triển nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn.
Một trong các sản phẩm OCOP được tham gia nâng hạng là hủ tiếu gạo Cà Mau. Đây cũng là một trong những sản phẩm điển hình giúp người dân nâng cao thu nhập khi được chứng nhận OCOP. Theo ông Châu Hoàng Hợp, chủ cơ sở sản xuất hủ tiếu gạo tại xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, sản phẩm này là nghề gia truyền 3 đời của gia đình. Mỗi ngày cơ sở sản xuất được 150 - 200 kg hủ tiếu cung cấp cho các quán ăn tại xã và một số khu vực lân cận trong tỉnh.
Sau khi đăng ký tham gia đạt chuẩn OCOP, hủ tiếu gạo của cơ sở Châu Hoàng Hợp có nhiều đơn hàng hơn, nhiều người sẽ được thưởng thức hủ tiếu gạo ngon, bổ, rẻ, an toàn của địa phương. Cũng từ số lượng đơn hàng tăng lên, nhiều người tiêu dùng biết đến, thu nhập của cơ sở Châu Hoàng Hợp tăng lên.
Đến thay đổi tư duy cạnh tranh
Mỗi sản phẩm OCOP đều được gắn với các dư địa, tính đặc hữu của nông nghiệp vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, với tốc độ hội nhập kinh tế và sự phát triển khoa học kĩ thuật hiện nay, tính đặc hữu của sản phẩm trở nên mờ nhạt. Nhiều địa phương có thể sản xuất cùng loại sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ, tạo nên chất đất, nước, không khí tương đồng. Vì vậy, chỉ những dòng sản phẩm đặc thù của địa phương qua nhiều thế hệ mới tạo nên sự khác biệt rõ rệt.
Đồng thời, để tạo nên sự khác biệt lâu dài, người làm sản phẩm OCOP cũng có cả phương án cạnh tranh lâu dài cho sản phẩm của mình. Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cốt lõi để sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững chính là phát triển theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm OCOP là một phần trong phát triển kinh tế tập thể. Để tạo nên chuỗi giá trị cho kinh tế tập thể nói chung, phát triển sản phẩm OCOP nói riêng, các đơn vị phát triển cần xây dựng liên kết chuỗi, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu đúng theo tiêu chuẩn đã được chứng nhận.
Cũng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 131 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao; trong đó có 16 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận và trình Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Với những sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao chính là lợi thế canh tranh trên thị trường của sản phẩm OCOP.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây, Bến Tre đánh giá, với những sản phẩm bưởi da xanh đạt chuẩn 3 sao trở lên, Hương Miền Tây đã có thể đưa vào dòng phổ thông xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu có thể nâng hạng OCOP cho trái bưởi, thì khả năng cạnh tranh với trái bưởi Thái Lan còn cao hơn nữa.
Xác định sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ khi triển khai Chương trình, Bến Tre đã tạo điều kiện cho các chủ thể ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho dự án phát triển theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Bến Tre cũng hỗ trợ các đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu, ông Huỳnh Quang Đức cho biết thêm.
Bài cuối: Nỗ lực tạo tiếng vang