Trà Vinh có nhiều hoạt động phát triển sản phẩm OCOPCụ thể, cùng với việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, địa phương tạo điều kiện cho chủ thể có sản phẩm OCOP quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại; đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ tư vấn, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch... cho các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP; hướng dẫn chủ thể tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử ở Trà Vinh và các tỉnh, thành.
Tỉnh định hướng phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản chất lượng có triển vọng, thương hiệu, có sức cạnh tranh gắn với thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng đó, địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm như: đầu tư ứng dụng khoa học, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, Trà Vinh xây dựng, kết nối các tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các cửa hàng OCOP, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP....
Trà Vinh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông đa phương tiện về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát, chứng thực của công tác quản lý nhà nước; xây dựng website bán hàng trực tuyến và thiết lập mã QR hỗ trợ các cơ sở sản xuất...
Tỉnh Trà Vinh có 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể (72 hộ kinh doanh, 20 công ty, 5 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác); trong đó, 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 38 sản phẩm đạt 4 sao; 137 sản phẩm 3 sao. Trà Vinh có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao, tỉnh đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chờ công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Toàn tỉnh hiện có 5 cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xây dựng. Các cửa hàng này tại các địa điểm: Khu du lịch Biển Ba Động, thị xã Duyên Hải; Điểm du lịch Cồn Chim, huyện Châu Thành; Khu di tích Ao Bà Om, thành phố Trà Vinh; số 6A, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, thành phố Trà Vinh; Điểm dừng chân Sáu Dư tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long.
Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ tư vấn, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch... cho 4 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP; giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản cho 130 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn 26 đơn vị tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Tiki.vn, Voso.vn, Sendo.vn...
Hiện Trà Vinh có 464 loại sản phẩm của 146 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã được cập nhật lên sàn thương mại điện tử...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa địa phương; tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường; góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân nông thôn.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai ít nhất 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ đăng ký bảo hộ 13 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có trên 50% sản phẩm OCOP được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trên 70% sản phẩm OCOP được tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…
Năm 2023, Trà Vinh phấn đấu phát triển thêm 133 sản phẩm OCOP.