Nâng cao giá trị nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Năm 2014 được xem là năm thành công của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (No&PTNT) Hà Giang. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, lại là tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ No&PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp Hà Giang đã dành được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến sự nghiệp phát triển nông thôn.


Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - Hà Giang.


Cùng với các địa phương trong cả nước, năm qua nền kinh tế của Hà Giang có bước tăng trưởng khá, ổn định. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 6,32% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,2 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp của Hà Giang luôn ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần làm tăng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Trong năm, ngành No&PTNT đã duy trì triển khai thực hiện các phong trào “xen canh, thâm canh tăng hiệu quả sử dụng đất”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “Cánh đồng kiểu mẫu gắn với cơ giới hóa”. Phong trào trồng và phát triển cây vụ đông, phong trào ủ phân xanh hữu cơ được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai hưởng ứng. Chính vì vậy diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu tăng khá hơn so với những năm trước. Nhiều huyện, thành phố đã thực hiện có hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu tăng giá trị sử dụng đất nông lâm nghiệp như: Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang đạt trên 50 triệu/ha. Các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần là 3/11 huyện, thành phố đi đầu trong phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng với chất lượng cao.


Để thực hiện thắng lợi mục tiêu: Tăng tốc về đích hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2015. Năm 2015, ngành No&PTNT Hà Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm: Tái cơ cấu Nông nghiệp & PTNT Hà Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó trọng tâm là chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành, chính sách phát triển cây dược liệu và chính sách phát triển chăn nuôi bò vùng cao.Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch và dịch vụ. Phấn đấu đến hết năm 2015 Hà Giang đạt 40 vạn tấn lương thực; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 50 triệu đồng/ha/năm. Xây dựng Hà Giang từng bước trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về cây dược liệu. Xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.


Phát triển các sản phẩm có thế mạnh của Hà Giang theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGap như: Cam, quýt, chè, cây dược liệu, bò vàng, nuôi ong… Mở rộng dự án trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, chè hữu cơ, vùng sản xuất rau an toàn và diện tích cây vụ đông. Quy hoạch, phát triển cây tam giác mạch và sản phẩm chế biến từ tam giác mạch phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực thực hiện chính sách nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.


Nguyễn Đức Vinh (Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang)

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang trước thềm năm mới 2015
Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang trước thềm năm mới 2015

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang đã không ngừng đổi mới về mọi mặt, liên tục phát triển và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Hà Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN