Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhìn từ địa phương
Với vị trí địa kinh tế độc đáo, cùng hệ thống giao thông kết nối liên vùng bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển khá đồng bộ, tỉnh Khánh Hòa hội tụ đủ các yếu tố để trở thành đô thị lớn, trung tâm kết nối logistics, cực tăng trưởng của vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa được ban hành nhiều chính sách về thí điểm các cơ chế đặc thù, đột phá, phân cấp mạnh mẽ về tài chính ngân sách, quy hoạch, đất đai để tạo thêm các động lực, khơi thông các nguồn lực cho địa phương phát triển.
Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/03/2023 với định hướng Vùng động lực phát triển là chuỗi đô thị Vân Phong - Nha Trang - Cam Lâm - Cam Ranh và định hình cho thành phố biển trung tâm của vùng trong tương lai; ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 31/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây chính là những “bệ phóng” pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp BĐS khi triển khai các dự án tại địa phương, nhất là liên quan đến phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang "ngủ đông" thời gian qua; đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; xác định phát triển đô thị là hạt nhân dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị.
Đón đầu thị trường BĐS hồi phục, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững trên tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng tạo cú huých cho BĐS tăng trưởng.
Đáng chú ý, dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được thông xe mới đây đã kết nối TP Hồ Chí Minh với Nha Trang thành tuyến cao tốc với thời gian di chuyển rút ngắn chỉ còn 4 - 5 giờ, tạo đà lớn cho sự phát triển của du lịch biển, kéo theo đó là thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có cơ hội hồi phục. Các nhà đầu tư tại các tỉnh phía Nam, đang ngày càng có xu hướng lựa chọn Nha Trang, Khánh Hoà là điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi đầu tư BĐS tiềm năng, cũng như sở hữu ngôi nhà thứ hai vừa để nghỉ dưỡng, vừa kinh doanh.
Năm giải pháp
Tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy BĐS du lịch nghỉ dưỡng” do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 18/5 tại Khánh Hòa, lãnh đạo Bộ Xây dựng các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, diễn đàn là cơ hội đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh thị trường BĐS cả nước nói chung, BĐS du lịch nghỉ dưỡng Khánh Hoà nói riêng và tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, thị trường BĐS đang từng bước được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tuy nhiên để thị trường nói chung, doanh nghiệp BĐS nói riêng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững cần sự tiếp sức, đồng hành của các cơ quan chức năng và các bên liên quan như khách hàng, nhà thầu, đối tác...
Bên cạnh đó chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận mức lãi suất cho vay mua nhà đã giảm mạnh với mức thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm qua, kích thích người dân “xuống tiền” mua nhà. Những tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1 - 2% so với hồi cuối năm 2023, xuống khoảng 5,9 - 6,5%/năm, lãi suất thả nổi từ 8 - 13%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở thật và các nhà đầu tư BĐS.
Song, nguyên nhân khiến phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng gặp những điểm nghẽn là bởi tư duy vẫn coi phân khúc này là “xa xỉ”, nên chưa được các địa phương thực sự quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển bài bản. Với các nhà quản lý, khái niệm bất động sản du lịch chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh BĐs, từ đó, khó hình thành những quy định điều chỉnh, chưa có quy định kiểm soát trách nhiệm giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Ngoài ra, pháp luật hiện nay chưa có quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết lợi nhuận khi chào bán các sản phẩm trong các dự án BĐS du lịch. BĐS du lịch chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch hệ thống du lịch, tầm nhìn đủ dài với thị trường BĐS.
Vì vậy, các tham luận tại Diễn đàn đã tổng hợp 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai gần.
Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Các địa phương sớm định hướng và lồng ghép tích hợp vào quy hoạch tỉnh phương án phát triển BĐS du lịch, cũng như quy hoạch khác có liên quan để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững. Mặt khác, các địa phương có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng tại các vùng, khu du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng; đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Cuối cùng, các địa phương cần quan tâm phát triển lành mạnh tài chính BĐS (thị trường vốn, thuế, phí, quỹ đầu tư…) phù hợp; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực BĐS.